Để Đài phát thanh luôn là phương tiện truyền thông gần gũi nhất với công chúng, các Đài phát thanh ngày nay (trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam) đang phát triển mạnh mẽ mô hình phát thanh “đồng hành”, nghĩa là khuyến khích sự tham gia của thính giả vào các chương trình trên làn sóng.

Tại Pháp, phát thanh “đồng hành” khá phát triển và có nhiều điểm để chúng ta lưu tâm. UGC (User Generated content) nghĩa là “Người dùng tạo ra nội dung”, một khái niệm bùng nổ trên mạng Internet thời gian gần đây. Ví dụ như trên các diễn đàn, webblog, website chia sẻ video, hình ảnh, âm nhạc… Và giờ đây, phát thanh cũng phát triển nhiều theo hướng này, tức là khuyến khích thính giả tham gia vào các chương trình trên làn sóng.

Tổng giám đốc Hiệp hội Phát thanh và Truyền hình quốc tế (URTI) Alain Massé đánh giá về xu hướng phát thanh “đồng hành”: “Tôi nhận thấy rằng ngày nay có xu hướng có sự đồng hành giữa thính giả với đài trên khắp thế giới, mà chúng tôi gọi là những “công dân – phóng viên”. Rõ ràng rằng thính giả có thể tham gia thoải mái vào khoảng không gian rộng rãi trên sóng phát thanh, và chính họ có thể trở thành một người phóng viên. Chúng ta thấy có một sự bùng nổ của cái gọi là “Người dùng tạo ra nội dung”… Và trên các đài phát thanh cũng có hiện tượng này ngày càng nhiều”. 

Đối với các đài phát thanh của Pháp, các chương trình theo hướng “đồng hành” giữa phóng viên với thính giả khá phát triển, dưới nhiều hình thức. Đầu tiên là “đồng hành” thực sự, tức là thính giả được mời đến phòng thu làm khách mời hay ví dụ các kênh lớn như France Inter, France Info, France Culture đôi lúc cũng mời các thính giả tới tham dự buổi ghi âm trước những chương trình lớn.

Đi vào chi tiết các chương trình, ngoài mô hình kênh giao thông khá phổ biến, một số chương trình thu hút nhiều thính giả như tranh luận về các vấn đề lớn trong nhiều lĩnh vực giữa các khách mời và thính giả có thể gọi điện thoại tới từ bất cứ nơi đâu, trình bày quan điểm của họ.

Ông Alain Massé, cũng là Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Đài Phát thanh Pháp (Radio France), cho biết về việc tăng tính tương tác, đồng hành giữa thính giả với các phóng viên, biên tập viên trên Đài của Pháp: “Tại Pháp, tôi nghĩ ở các thành phố khác như Hà Nội hay New York cũng vậy thôi, những thính giả có thể tham gia đồng hành, vì họ có mặt ở khắp nơi nên có thể là những nguồn tin đa dạng và quý giá. Trong khi các phóng viên, không thể ở khắp nơi được. Đôi khi những thông tin đắt giá nhất lại là từ các thính giả. Như giao thông là rõ nhất, ví dụ một người tham gia giao thông có mặt ở một tai nạn và ngay lập tức có thể gọi cho một đài địa phương ở đó để truyền tin về. Đài phát thanh mở tất cả khoảng không của nó cho thính giả. Và thính giả có thể trở thành một người phóng viên tại hiện trường bất cứ lúc nào họ muốn”.

Cùng với sự bùng nổ của các mạng xã hội, các Đài phát thanh của Pháp cũng phải tận dụng sự lan truyền với tốc độ chóng mặt trên facebook, twitter, blog để thu hút thêm đông đảo thính giả nghe Đài. Khi có một sự kiện lớn thì các thính giả của Đài, tương tự như các độc giả của các trang báo lớn, có thể từng giờ từng phút cập nhật các thông tin mới trên blog, facebook hay tweeter của Đài và có những phản hồi lại, cung cấp thêm những gì mà họ biết được. Dĩ nhiên, vấn đề kiểm chứng sự đúng sai cũng đặt ra cho các biên tập viên của Đài phát thanh, giống như các tờ báo, để làm sao thính giả không đưa các thông tin không trung thực, chỉ tiếp cận từ một phía lên làn sóng.

Đúng như lời ông Tổng giám đốc Hiệp hội Phát thanh và Truyền hình quốc tế, các đài phát thanh đang mở rộng toàn bộ khoảng không gian của mình để thính giả có thể tham gia – đồng hành cùng phát thanh!./.