Phát thanh được coi là phương tiện truyền thông chi phí thấp, có khả năng tiếp cận những cộng đồng dân cư ở các vùng xa xôi cũng như những người có số phận kém may mắn: mù chữ, khuyến tật, phụ nữ, thanh niên nghèo và có khả năng tạo ra một diễn đàn cho công chúng, không phân biệt trình độ văn hoá. Hơn nữa, phát thanh có vai trò to lớn trong các trường hợp thông tin khẩn cấp, phòng ngừa thiên tai.
Trong thời đại hội tụ công nghệ hiện nay, phát thanh đang ngày càng có nhiều thay đổi về các hình thức công nghệ như băng thông, di động, máy tính bảng; đối mặt với một số thay đổi như các công nghệ mới, tần số. Tuy nhiên, hiện nay, có hơn 1 tỷ người vẫn chưa thể tiếp cận với phát thanh.
Nhân dịp này, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO gửi thông điệp khuyến khích tất cả các quốc gia cùng tổ chức kỷ niệm Ngày Phát thanh Thế giới (13/2), thông qua việc phối hợp hoạt động với các cơ quan, tổ chức xã hội khác nhau, như các hiệp hội, các tổ chức phát thanh quốc gia, khu vực và quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn truyền thông, và các Đài Phát thanh.
Trước đó, ngày 3/11/2011, phiên họp Đại hội đồng của UNESCO lần thứ 36 đã thông qua Tuyên bố về Ngày Phát thanh Thế giới. Ý tưởng về ngày này xuất phát từ Viện nghiên cứu phát thanh Tây Ban Nha cách đây 4 năm. Đại diện thường trực của Tây Ban Nha tại UNESCO đã chính thức trình bản đề xuất tại phiên họp 187 của Ban lãnh đạo UNESCO vào tháng 9/2011.
Sau nhiều cuộc thảo luận, UNESCO quyết định chọn ngày 13/2 là Ngày Phát thanh thế giới, trùng với ngày thành lập Đài Phát thanh Liên Hợp Quốc năm 1946. Rất nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức các hoạt động nghiệp vụ thiết thực nhằm hưởng ứng Ngày phát thanh thế giới./.