Sáng 24/9, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Đài TNVN và Đài THVN tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biên giới cho các đối tượng chủ chốt ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Hội nghị tập huấn nhằm phát huy vai trò của cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản trong bảo vệ an ninh biên giới và phát triển kinh tế- xã hội khu vực biên giới. Hội nghị có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là cán bộ chủ chốt, các già làng, trưởng bản, bộ đội biên phòng… tại 8 huyện, 36 xã biên giới của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tiếp giáp với các địa phương thuộc 4 tỉnh: Hủa-phăn, Xiêng-khoảng, Bô-ly-khăm-xay, Khăm-muộn của nước bạn Lào.

picture%20095.jpg
Hội nghị khen thưởng và trao quà cho các cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản.

Hội nghị lần này là hội nghị cuối cùng trên tổng số 5 hội nghị được tổ chức ở các địa phương có đường biên giới trên bộ với nước Cộng hòa DCND Lào. Hội nghị nhằm triển khai kết quả Cuộc họp thường niên lần thứ XXII giữa hai đoàn đại biểu biên giới Việt Nam - Lào, Cuộc họp vòng 5 Ủy ban Liên hiệp cắm mốc biên giới Việt Nam – Lào, trên cơ sở hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên thực địa Việt Nam - Lào.

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành giới thiệu các chuyên đề về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh khu vực biên giới trên địa bàn; kết quả hợp tác thương mại biên giới Việt Nam – Lào cũng như những quy định về thương mại biên giới; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biên giới Việt Nam – Lào.

Hội nghị cũng nghe báo cáo kết quả công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên thực địa giữa hai nước; chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo giai đoạn 2012 – 2015; tình hình an ninh biên giới Việt Nam – Lào và kết quả công tác vận động quần chúng của bộ đội biên phòng; những vấn đề đặt ra với chính quyền và nhân dân khu vực biên giới…

Già làng Hà Lù Pó, người Mông ở bản Pù Quặc, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn- Nghệ An bày tỏ: “Tập huấn lần này sẽ giúp ích cho chúng tôi hiểu biết thêm nữa về vấn đề đường biên, khi về bản làng sẽ truyền đạt lại cho bà con những điều mà  Đảng và Nhà nước Lào và Việt Nam quy định vận động nhân dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Qua đó, củng cố thêm mối tình đoàn kết giữa 2 nước Việt-Lào anh em”.

Đường biên giới giữa Việt Nam và Lào dài khoảng 2.340km, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam bao gồm Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Kon Tum; tiếp giáp với 10 tỉnh phía Lào. 

Riêng tỉnh Nghệ An có vị trí đặc biệt quan trọng, là tỉnh có đường biên giới dài nhất trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào với chiều dài 419 km, có 105 vị trí mốc và 116 mốc quốc giới, 06 cọc dấu. Dân cư sống hai bên biên giới đa phần là nhân dân các dân tộc ít người, sống thưa thớt tại các làng, bản rất xa nhau và xa đường biên giới. Đời sống vật chất và tinh thần của đa số đồng bào các dân tộc của hai bên còn nhiều thiếu thốn.

Nhân dân hai nước ở khu vực biên giới từ lâu đã có sẵn mối quan hệ dân tộc, thân tộc gần gũi, gắn bó, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Bởi vậy, dễ dẫn đến hiện tượng qua lại thăm than, hôn nhân giữa hai bên không có giấy tờ pháp lý.

Tuy nhiên, nhờ đội ngũ các già làng trưởng bản, người có uy tín luôn phối hợp với cán bộ chiến sĩ biên phòng tích cực tuyên truyền tới người dân, hiện tượng này những năm gần đây giảm đáng kể.

Trung tá Trần Đăng Khoa, chính trị viên đồn biên phòng Tam Hợp, Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, biên phòng đã lấy những dẫn chứng thực tế, nêu rõ ý nghĩa của tầm quan trọng của biên giới quốc gia không phải như từ hộ này sang hộ khác, dân hiểu được là thế nào là vi phạm quy định của Nhà nước, dân bắt đầu chấp hành nghiêm luật biên giới quốc gia… Sau khi được tuyên truyền, nhân dân nhận thức tốt hơn và chấp hành tốt hơn các luật so với năm trước.

Chính phủ hai nước đã xác định, vai trò của nhân dân khu vực biên giới, đồng bào các dân tộc đang sinh sống hai bên biên giới, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở, các già làng, trưởng bản, bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ đường biên, mốc giới của hai nước, vun đắp mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Trương Minh Tuấn khẳng định: Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản càng phải cố gắng phát huy nhiều hơn nữa vai trò, vị thế, trách nhiệm trong công tác biên giới; cùng với nhân dân cả nước thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về biên giới./.