Sáng nay (8/3), tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại điện của hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài dự hội nghị.

lao_dong_nput.jpg
 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (giữa); Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung điều hành hội nghị 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hơn 20 năm qua và nhấn mạnh, xuất khẩu lao động được nhân dân quan tâm, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, nhân dân chưa hài lòng nên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải tìm hiểu để khắc phục.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần chấn chỉnh những bất cập; đẩy mạnh, mở rộng thị trường, mở thêm các ngành nghề mới, phân khúc mới.

Đồng thời, cần có các chính sách để các địa phương, từ chính quyền đến toàn hệ thống vào cuộc, giúp người lao động có thể trực tiếp tham gia vào quá trình, khắc phục được sức "cản" từ các cấp chính quyền trung gian. Bộ cần làm tốt công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp, đưa ra nhiều mô hình, phương pháp, nội dung mới.

Khẳng định vai trò của Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam và thể hiện quan điểm không chấp nhận với những hạn chế, tiêu cực trong công tác xuất khẩu lao động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải đấu tranh đối với những hành vi tiêu cực, vòi vĩnh; đặc biệt là việc thu các loại phí và các quy định của doanh nghiệp dẫn đến tình trạng “cò”, tiêu cực.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động nêu rõ khó khăn, vướng mắc và đề xuất những kiến nghị, giải pháp để ngày càng đưa được nhiều lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nhất là việc quy định địa phương có ý kiến thì doanh nghiệp mới tiếp cận được lao động, hiện như là 1 loại giấy phép con.

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết sẽ xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật và các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả nhằm đạt mục tiêu từ năm 2017 đến năm 2020, hàng năm đưa đi được từ 100 -120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 70-80% là lao động đã qua đào tạo; giữ vững các thị trường truyền thống; mở rộng các thị trường tiếp nhận lao động có trình độ cao./.