Đến nay, hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước đã hoàn thành xong kế hoạch chăm lo Tết Đinh Dậu 2017 cho người có công, người nghèo và đối tượng yếu thế.... Ngoài ra, 15 tỉnh đã xin hỗ trợ gạo cứu đói từ Trung ương, với tổng số khoảng 17.000 tấn.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ thưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Việc hỗ trợ gạo cho người dân sẽ xong trước ngày 25 tháng Chạp, không để tình trạng đến gần 30 Tết mới gọi dân đến cấp gạo.

vov_ong_dam_1_elwn.jpg
Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm.

PV: Thưa Thứ trưởng, Bộ sẽ có những biện pháp gì để người dân nhận được gạo sớm nhất?

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Bộ chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chăm lo Tết cho người dân, cho người nghèo. Đến bây giờ chúng tôi nắm được có 40 tỉnh được Chủ tịch, Phó Chủ tịch phê duyệt kế hoạch Tết cho người có công, cho người nghèo và các đối tượng yếu thế.

Tinh thần là nhiều tỉnh phấn đấu cao hơn năm ngoái. Vì năm nay các cấp chính quyền và người dân đều nhìn thấy tình hình thiên tai, lũ lụt cả năm nặng nề cho nên chỉ đạo của các cấp địa phương cũng tích cực hơn, chủ động hơn.

Chúng tôi đã bàn với Bộ Tài Chính là phải khẩn trương. Năm nay, Bộ Tài Chính cho ý kiến rất kịp thời nên không có tình trạng chậm. Ngay từ năm 2016 đến nay, cả nước đã xuất ra 67.000 tấn gạo để bà con ăn Tết 2016, vừa giúp người dân lúc hạn hán, giáp hạt, xâm nhập mặn và ảnh hưởng môi trưởng ở miền Trung rất kịp thời.

Cho đến thời điểm này, việc cấp phát lượng gạo cao gấp 2 - 3 lần bình quân các năm trước được các địa phương rút kinh nghiệm từ các năm trước nên rất tốt.

PV: Ông có thể cho biết 15 địa phương đề nghị hỗ trợ gạo Tết này tập trung vào các vùng miền nào?

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Trong đó có các tỉnh miền Trung, các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, vùng nào cũng có.

Một số địa phương cũng nằm trong vùng bị thiệt hại nhưng địa phương đã chủ động bằng nguồn lực của mình, như tỉnh Quảng Nam đã trích Quỹ bảo đảm xã hội ra để chủ động chứ không xin Trung ương.

PV: Trong số các địa phương xin hỗ trợ gạo, ngoài những địa phương bị thiên tai, hạn hán.. cũng có địa phương không đến mức phải xin hỗ trợ gạo từ Trung ương nhưng vài năm nay vẫn nằm trong danh sách này. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Thực ra các địa phương cũng rất mong muốn là tự lực được, không phải xin Trung ương, kể các các địa phương có tăng trưởng GDP, nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế là trong một cộng đồng, một địa phương rộng như thế thì vẫn có một bộ phận người dân nghèo mà đến ngày giáp hạt, ngày Tết có thể vẫn thiếu lương thực, cho nên họ mới xin. Thường thì những địa phương như thế họ không xin nhiều lắm, chỉ để đảm bảo hỗ trợ cho người dân.

PV: Vậy có địa phương nào đề nghị cấp gạo nhưng qua kiểm tra, rà soát Bộ LĐTB-XH cắt hoặc giảm bớt số lượng gạo xin hỗ trợ không, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Thực tế có một số địa phương đề nghị với Thủ tướng cấp ít hơn, hoặc là cấp gạo chia làm 2- 3 đợt chứ không xin liền một lúc, trước mắt sẽ cấp tháng Tết chẳng hạn, nhưng đến giáp hạt lại phải rà soát lại. Chủ yếu là như vậy còn hầu như không có địa phương nào trình lên mà Thủ tướng không cấp và các Bộ không trình. Bởi vì trách nhiệm đánh giá, xác định nhu cầu, tình hình thiếu đói là trách nhiệm của địa phương.

Nếu địa phương đã trình, trong khi làm sao mình đi kiểm tra được hết thì mình phải đánh giá trên cơ sở có thiên tai, lũ lụt, có bị tác động thì tôn trọng việc rà soát của địa phương.

Điều đầu tiên, nhiệm vụ giao cho các địa phương là phải đảm bảo an sinh cho người dân và phải nắm chắc được tình hình đời sống của người dân, bởi Trung ương không thể làm thay địa phương việc đó được. Cho nên không được để một ai bị thiếu lương thực mà phải đứt bữa. 

Với tinh thần như thế thì có địa phương như Sơn La năm 2016 thiên tai cũng bị nhưng mà nhẹ, trong khi lúa, ngô, khoai, sắn thu hoạch cũng được mùa, cho nên địa phương thấy không cần thiết phải xin, còn nếu thiếu một ít thì họ chủ động. Đó là cách mà chúng ta khuyến cáo các địa phương trên tinh thần tại chỗ là chính, còn vượt khả năng địa phương thì hãy xin Trung ương

PV: Chính sách đối với người có công Tết Đinh Dậu này được chuẩn bị đến đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Đàm: Về người có công thì Bộ đã trình và được Thủ tướng trình với Chủ tịch nước. Năm nay quà dành cho người có công vẫn bằng mức như năm 2016 là mức 400.000 đồng và 200.000 đồng cho 2 nhóm đối tượng cũng như mọi năm. Như vậy, người có công về ngân sách Nhà nước tặng quà vẫn ổn định.

Ngoài ra, các địa phương đều có kế hoạch để thăm hỏi, tặng quà bằng nguồn ngân sách của địa phương. Đến bây giờ có hơn 40 tỉnh đã có kế hoạch rất cụ thể. Có tỉnh đã lên kế hoạch Tết này thăm hỏi người có công, người nghèo và các đối tượng yếu thế gần 300 tỷ đồng như thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài nguồn ngân sách, các địa phương đều vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tiếp tục phong trào thiện nguyện chăm lo cho người nghèo và đền ơn đáp nghĩa chăm lo cho người có công.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.