Sự cố sạt lở hạ lưu cầu Đuống khiến hàng chục hộ dân tại thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội bị lún nứt nhà cửa. UBND thị trấn Yên Viên đã tổ chức di dời khẩn cấp một gia đình để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hơn 10 hộ dân trong khu vực nguy hiểm này vẫn phải sống trong nỗi sợ hãi, không biết nhà của mình bị sập lúc nào.

Sau trận mưa to ngày 3/10/2017, mố cầu Đuống bị sạt lở nghiêm trọng, kéo theo con đường ven sông và nhiều nhà dân bị nứt toác. Hơn 40 ngày qua, gia đình ông Lê Đình Quý ở tổ Đuống 2, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm phải đi thuê trọ để chuyển người già và các con đến ở tạm. Còn 2 vợ chồng ông Quý phải ở lại để bán hàng nước mưu sinh, dù vẫn biết nguy hiểm đang rình rập.

d2_anh_ngoai_cngv.jpg
Nứt đến tận giữa nhà
Ông Lê Đình Quý nói: “Mố cầu sụt xuống làm ảnh hưởng đến nhà chúng tôi, nó kéo nhà bị nứt. Giờ chúng tôi có nhà nhưng không về được, rất khó khăn. Chúng tôi đề nghị các ngành chức năng nhanh chóng khắc phục để chúng tôi ổn định làm ăn”.

Khu vực bờ sông từ điểm tiếp giáp chân cầu Đuống xuất hiện nhiều vết nứt không liên tục, hình cung dài 36m sát chân tường nhà dân gây nứt tường, nứt móng và trụ cổng. Tại hiện trường, trong sân, trên tường của 11 hộ dân, những vết nứt ngày càng rộng và sâu hơn. Đa số các hộ này có hoàn cảnh khó khăn nên không thể đi thuê nơi ở mới. Họ vẫn hàng ngày chờ đợi chính quyền địa phương giúp đỡ.

Vết nứt ngày càng sâu hơn
Trao đổi với phóng viên VOV, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm cho biết, chính quyền địa phương đang theo dõi diễn biến sự cố và chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời các hộ dân trong khu vực bị sạt lở khi cần thiết. Trước mắt, đã tiến hành hỗ trợ 2 triệu đồng cho hộ dân phải di dời khẩn cấp vừa qua. Nếu tình trạng sụt lún tiếp tục diễn ra, thị trấn sẽ phải đề nghị UBND huyện hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên nói: “Chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra để khi có sự cố bất thường nào đó xảy ra thì kịp thời xử lý. Chúng tôi cũng đề xuất tái định cư cho bà con để bà con có được điều kiện sống bằng hoặt tốt hơn điều kiện hiện tại”.

Phía bên trong biển cảnh báo nguy hiểm là nơi các hộ dân đang sinh sống.
Đại diện Công ty cổ phần công trình giao thông Hà Nội, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì cầu Đuống cho biết, đã kiến nghị Tổng Công ty đường sắt Việt Nam chỉ đạo khắc phục sự cố nứt mố cầu Đuống. Tuy nhiên, tại nơi xảy ra sự cố, đơn vị thi công chở đến vài chục khối đá, rào chắn xung quanh, dựng biển cảnh báo nguy hiểm rồi để đó nhiều ngày qua. Còn dự án đê kè, tái định cư cho các hộ dân thì vẫn “án binh bất động”.

Trong khi các ngành chức năng chưa khắc phục sự cố, tính mạng của hơn 50 người sống cạnh chiếc cầu này luôn bị rình rập bất cứ lúc nào./.