Mùa đông những năm trước, khi rét đậm liên tục kéo về, từng đàn trâu tại các khu vực vùng cao Sa Pa, tỉnh Lào Cai lại lũ lượt rủ nhau “hạ sơn” đi tránh rét. Năm nay cũng không ngoại lệ, thời điểm này bắt đầu ghi nhận hình ảnh những người nông dân Sa Pa cùng đàn trâu của mình “di trú” về vùng thấp.

Đã thành thông lệ, khi thời tiết liên tục báo rét thì anh Má A Xóa, thôn Má Tra, xã Sa Pả, huyện Sa Pa cùng vài người hàng xóm lại sắp sửa hành trang lùa cả đàn trâu của gia đình dời về vùng thấp. Quãng đường di chuyển khá xa, nơi ở mới cũng không thể đủ đầy như ở nhà nhưng riêng đối với đàn trâu lại đảm bảo ấm áp hơn, nguồn thức ăn cũng dồi dào hơn, sẽ không con trâu nào bị chết rét, chết đói.

trau_tranh_ret_ttfs.jpg
Đưa trâu đi tránh rét.

Anh Xóa chia sẻ: Rét quá cỏ chết hết, mùa đông trâu không chịu được thì mang xuống đây chống rét, đi vất vả chả muốn đi nhưng mà không đi không được nên vẫn phải đi”.

Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, hiện nay trong tổng đàn 12 nghìn con trâu, bò của Sa Pa thì đã có hơn 90% đảm bảo điều kiện về chuồng trại và thức ăn dự trữ. Số trâu bò còn lại gắn với một địa phương có mùa đông khắc nghiệt như Sa Pa thì trước mắt không còn cách nào khác là phải di chuyển về những khu vực thấp hơn để nuôi giữ. Ông Thành cho biết: “Trong mùa rét, các xã tại Sa Pa sẽ tổ chức cho người dân di chuyển đàn gia súc về khu vực ấm hơn. Trong thời gian di chuyển, các xã nơi đi sẽ có xác nhận và thông báo tới các xã nơi đến”.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thành, việc chính quyền các xã yêu cầu khai báo thông tin khi người dân di chuyển gia súc nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ về nhân khẩu và hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan trong quá trình cho gia súc đi tránh rét. Các hộ di chuyển gia súc cũng được hướng dẫn đầy đủ về việc giữ ấm, nuôi ăn trong mùa đông, sang xuân ấm áp sẽ tổ chức cho gia súc quay đầu về nơi ở cũ tại địa phương./.