Với hơn 17.000 đơn vị, doanh nghiệp, Hải Phòng là một trong những tỉnh, thành có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh. Tuy nhiên, thành phố cũng đang phải đối mặt với tình trạng nợ đọng, không đóng bảo hiểm xã hội của các đơn vị, doanh nghiệp. Năm 2009, có tới 25 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nợ đọng bảo hiểm xã hội hơn 12 tháng. Theo ông Đặng Văn Tâng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Hải Phòng, một số doanh nghiệp còn lách luật, trốn đóng bảo hiểm xã hội bằng cách cố tình kéo dài thời gian thử việc, hợp đồng lao động, kê khai lương ở mức thấp...

Ông Đặng Văn Tâng cho biết: “Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để chậm nộp bảo hiểm xã hội, hoặc người ta dùng số tiền đó để lo những việc khác. Tình trạng này phổ biến ở doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, mà cũng rất khó đòi do họ tự làm tự lo …”

Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội đang diễn ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Tính đến hết năm 2009, số nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội của các đơn vị trong cả nước là hơn 2.000 tỷ đồng; trong đó số nợ, chậm đóng từ 1 năm trở lên chiếm gần 11%.

Theo các cơ quan chức năng, mức xử phạt tối đa không quá 20 triệu đồng đối với hành vi chậm hoặc không đóng bảo hiểm xã hội là không đủ sức răn đe, khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt để chiếm dụng, trốn đóng hàng tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội. Một nguyên nhân khác là do đội ngũ cán bộ thanh tra tại địa phương còn quá mỏng, khó phát hiện kịp thời vi phạm của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đức Khang, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương: “Cái khó của cơ quan BHXH là chỉ có chức năng thực hiện, còn việc kiểm tra xem doanh nghiệp đã thực hiện hết cho người lao động chưa, tiền lương đúng chưa, tham gia kịp thời không thì lại không có chức năng. Khó thứ hai là các chế tài xử lý thì không đồng bộ, khó thực hiện. Các chế tài mới đề cập đến chậm nộp và không đóng; còn việc doanh nghiệp cố tình chiếm dụng số tiền đã thu của người lao động để sử dụng vao mục đích khác thì lại chưa có chế tài xử phạt, nên nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ.”

Khi doanh nghiệp không nộp bảo hiểm xã hội, người lao động cũng sẽ không được hưởng bất kỳ chính sách bảo hiểm nào như bảo hiểm y tế, ốm đau, hưu trí, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất, lương hưu... như luật quy định.

Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động cần phải áp dụng những biện pháp mạnh. Ðó là khởi kiện ra tòa các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp cố tình vi phạm.

Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, khởi kiện ra tòa là biện pháp cuối cùng nhưng hiện đang là biện pháp khả thi. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra tòa và đã có tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã áp dụng các biện pháp như: thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về những doanh nghiệp nợ và trốn bảo hiểm xã hội; gửi thư kiến nghị tới cơ quan chủ quản của đơn vi, doanh nghiệp vi phạm; kết hợp với Ngân hàng để phong tỏa tài khoản hoặc trích tiền từ tài khoản doanh nghiệp để chuyển đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động… Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, đây cũng chỉ là những biện pháp tình thế, còn về lâu dài thì vẫn là hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao nhận thức của người lao động để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, đối với hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội đã bị xử lý hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm phải được coi là vi phạm hình sự. Xem ra, chỉ có biện pháp mạnh và cương quyết thì mới không còn tình trạng nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội./.