- Chuyện về hai vợ chồng “xây nhà” cho người vô danh
- Đêm giao lưu nghệ thuật “Tri ân liệt sỹ”
- Lễ giỗ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ ở Ngã ba Đồng Lộc
Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trung nằm giữa cánh đồng vùng chiêm trũng huyện Triệu Phong bên cạnh khu vườn rợp bóng mát của thương binh Nguyễn Linh Mục.
Ông Nguyễn Linh Mục |
Rời quân ngũ năm 1980 với tỷ lệ thương tật 25%, năm 1984, ông tình nguyện ra nghĩa trang liệt sĩ xã dựng lều để được chăm sóc các phần mộ liệt sĩ.
Ngày ngày, ông cùng vợ quét dọn, hương khói các phần mộ, chuyện trò với các liệt sĩ. Nhiều thời điểm sau lũ lụt, nghĩa trang bị bùn lấp, ông bỏ tiền thuê người dọn cỏ, quét vôi.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ, với gần 60.000 mộ liệt sĩ. |
Nghĩa trang ở xa trung tâm huyện, nên căn nhà nhỏ của ông trở thành chỗ trọ miễn phí cho thân nhân liệt sĩ từ nơi xa về viếng mộ.
Ông Mục nhớ lại, hồi ấy khi bỏ xóm làng ra ở cạnh nghĩa trang liệt sĩ, cả 2 bên gia đình nội ngoại đều phản đối nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện tâm niệm chăm sóc đồng đội.
“Họ đã chết để cho mình được sống, mình phải có nghĩa vụ chăm sóc, đó là lẽ đương nhiên nghĩa vụ của con người khi còn lại”- Ông Mục tâm sự.
Cũng chăm sóc mộ liệt sĩ nhưng anh Văn Đức Bình, quản trang Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Phú, huyện Hải Lăng lại là thế hệ trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất.
Suốt nhiều năm qua, Văn Đức Bình tình nguyện chăm sóc, hương khói cho các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại xã Hải Phú bên Thành cổ Quảng Trị.
Là nghĩa trang liệt sĩ cấp xã nhưng nơi đây có gần 2.000 phần mộ, vậy mà quản trang trẻ Văn Đức Bình vẫn thuộc tên, vị trí của từng ngôi mộ.
Anh Văn Đức Bình tâm sự: “Ở nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Phú có các sư đoàn 322, 325 là những đơn vị trực tiếp chiến đấu bảo vệ thành cổ. Các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước và hạnh phúc của nhân dân, nên việc chúng tôi làm cũng là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn”.
Bà Nguyễn Thị Bé, cán bộ Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn kể rằng, bà đến với công việc quản trang thật tình cờ.
Quê bà tận xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong. Rời quân ngũ năm 1979, bà lên nghĩa trang này và được nghe kể nhiều câu chuyện cảm động về các anh các chị. Từ đó, bà quyết định ở lại canh giữ giấc ngủ ngàn thu cho các Anh hùng liệt sĩ.
Trong những ngày lễ Tết, bà Bé đều lên Đài tưởng niệm, đến các phần mộ đốt nén hương thơm. Bà Nguyễn Thị Bé kể rằng: “Tôi có tâm huyết luôn chăm sóc các anh, các chị cho chu đáo để thân nhân các gia đình liệt sĩ an tâm gửi gắm người thân của mình trên đất Quảng Trị”.
Trong những ngày “Tháng 7 tri ân”, trên mảnh đất từng là giới tuyến, từ Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đến các nghĩa trang cấp huyện, cấp xã, từng đoàn người về đây kính cẩn nghiêng mình dâng những nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng đã hy sinh để đất nước, non sông được yên bình. Thân nhân các anh hùng liệt sĩ trở lại chiến trường Quảng Trị viếng mộ càng thấy ấm lòng bởi sự chăm sóc cẩn thận, chu đáo của người dân Quảng Trị, những quản trang giàu tình người./.