Ngày Đà Nẵng bùng phát dịch Covid-19, những phóng viên mảng y tế làm việc với cường độ cao và vất vả hơn. Phóng viên Hoàng Thị Mỹ Hà của Kênh Truyền hình Thông tấn tại Đà Nẵng cho biết, đợt dịch đầu tháng 5 vừa qua, các phóng viên tác nghiệp rất căng thẳng. Lần này, dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng, các phóng viên phải hết sức thận trọng.
Khi ổ dịch tại Khu Công nghiệp An Đồn xuất hiện, diễn biến dịch trở nên khó lường. Hoàng Thị Mỹ Hà kể, tối ngày 15/5, khi nhận thông tin sẽ lấy mẫu xét nghiệm SARS CoV-2 cho 3.000 người ở cảng cá Thọ Quang, cả ê kíp lập tức đến hiện trường. Hà và các đồng nghiệp phải làm việc liên tục từ 9h tối đến 4h sáng hôm sau mới quay phim xong rồi dựng thành sản phẩm gửi về cơ quan. Phóng sự truyền hình vừa thực hiện đã kịp phát sóng chương trình thời sự 6 giờ sáng.
Nhớ lại đợt dịch hồi tháng 7 năm ngoái, Hoàng Thị Mỹ Hà tâm sự, chứng kiến các y bác sĩ, nhân viên y tế làm việc quên ăn, quên nghỉ càng tự nhắc nhở mình phải ghi lại những khoảnh khắc chân thực này, kể lại những câu chuyện xúc động nhất để người dân chia sẻ và cùng nhau phòng chống dịch tốt hơn.
“Khi Đà Nẵng là tâm dịch của cả nước, tôi nhận được thông tin một số bệnh viện tư nhân ở địa bàn Đà Nẵng chia lửa cùng với bệnh viện Đà Nẵng để tiếp nhận những bệnh nhân nặng về điều trị. Tôi vào khu bệnh nặng ở Bệnh viện Gia đình để phỏng vấn những bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển qua. Khoảng 3 ngày sau thì 6 bệnh nhân trong phòng mình quay bị dương tính với SARS CoV-2. Lúc đấy bản thân tôi thực sự lo lắng. Tôi ngay lập tức tuyệt đối không tiếp xúc với tất cả người xung quanh, tự cách ly và báo với cơ quan y tế. Rất may là tôi vẫn an toàn, không vấn đề gì” - Phóng viên Hoàng Thị Mỹ Hà chia sẻ.
Nói về sự lăn lộn trong các điểm nóng dịch bệnh ở Đà Nẵng không thể không nhắc tới Nguyễn Thị Diệu Quỳnh, phóng viên VTV8 tại thành phố Đà Nẵng. Nữ phóng viên Diệu Quỳnh có 2 con nhỏ phải nghỉ học do dịch, trong đó cậu con trai út mới hơn 1 tuổi. Chồng Diệu Quỳnh cũng là phóng viên phụ trách mảng y tế của tờ báo ở thành phố nên 2 vợ chồng rất vất vả trong những ngày dịch bùng phát mạnh. Diệu Quỳnh nhờ bà ngoại đến nhà trông giúp 2 cháu.
Có những đêm phải đi ghi hình đột xuất, Nguyễn Thị Diệu Quỳnh xác định, là phóng viên thì phải sẵn sàng nhận lệnh và lên đường thực hiện nhiệm vụ.
“2 vợ chồng cùng tác nghiệp trong mùa dịch thì cũng khá vất vả. 2 đứa con nhỏ mà lại nghỉ học, công việc thì rất đột xuất không có thời gian cố định nào cả. Cho nên 2 vợ chồng phân chia nhau cố gắng ai đi giờ nào thì người kia sắp xếp ở nhà chăm con” - phóng viên Nguyễn Thị Diệu Quỳnh nói.
Theo Sở Thông tin Truyền thông thành phố Đà Nẵng, trong đợt dịch lần này, từ đầu tháng 5 đến nay, gần 3.500 tin, bài, phản ánh của các cơ quan báo chí đăng tải về công tác phòng chống dịch tại Đà Nẵng, Trung bình mỗi ngày có trên 100 tin bài...
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết, trong các đợt bùng phát dịch Covid-19, bên cạnh các lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch này như: y tế, quân đội, công an…thì sự đóng góp của lực lượng báo chí rất lớn và quan trọng. Việc phản ánh tin tức, thông tin công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của thành phố, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc chiến chống dịch.
“Trong số những phóng viên “ăn, ngủ với dịch”, chúng tôi thật sự cảm động những phóng viên nữ đã tâm huyết, không ngại khó khăn để tiếp cận những nơi điểm nóng, sát cánh cùng tuyến đầu chống dịch để có được những thông tin nhanh nhất, thật nhất về cuộc chiến chống dịch cam go và đầy khó khăn này. Thông qua VOV, nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt nam (21/6) năm nay, chúng tôi xin được gửi đến các anh em báo chí hoạt động và tác nghiệp tại Đà Nẵng lời cảm ơn chân thành đã luôn sát cánh cùng thành phố trong mọi hoạt động, trong đó có những nỗ lực rất lớn cùng thành phố phòng chống đại dịch” - bà Nguyễn Thị Phượng nói./.