Chào mừng 78 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, lần đầu tiên TƯ Đoàn tổ chức Lễ tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” tại Hà Nội, trong 2 ngày 27 và 28/3.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đây là dịp để tôn vinh, khen thưởng đội ngũ công nhân lành nghề- những người trực tiếp sản xuất hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.
Phát biểu tại buổi lễ Lễ tuyên dương sáng 28/3, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, biểu dương, tôn vinh đội ngũ công nhân lành nghề- những người trực tiếp sản xuất hàng hóa phục vụ cuộc sống.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gặp gỡ những người thợ trẻ |
Chúc mừng các gương mặt thợ trẻ giỏi trên các lĩnh vực- tiêu biểu cho sự hăng say học tập, lao động, biểu hiện cho lòng nhiệt huyết, khát vọng lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ, Phó Chủ tịch nước mong họ sẽ tiếp tục hăng say học tập, rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghề, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
Phó Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn tin tưởng, quan tâm vào tạo những điều kiện thuận lợi để tuổi trẻ học tập, rèn luyện, công hiến và trưởng thành. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Chủ tịch nước đề nghị các trường dạy nghề chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật mới để hỗ trợ các em học tập đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Ban tổ chức cho biết từ 223 cá nhân đề nghị bình chọn danh hiệu Thợ trẻ giỏi từ 54 tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc và 7 đơn vị gửi về Hội đồng bình chọn đã thống nhất lựa chọn 93 gương mặt Thợ trẻ giỏi tiêu biểu. Trong đó có 34 gương mặt là học sinh hiện đang học tập tại các trường nghề.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Hoàng Hiệp, 34 gương mặt học sinh được tôn vinh lần này đều là những người trong quá trình học đã làm thợ và được nhận giải thưởng thi tay nghề từ cấp ngành, cấp tỉnh, thành và Trung ương, quốc tế và có nhiều bạn có rất nhiều sáng kiến về đồ dùng giảng dạy, đồ dùng học tập... Bí thư Nguyễn Hoàng Hiệp cũng biết thêm, trong năm 2009 sẽ có 70 – 80% cán bộ Đoàn xã, phường, thị trấn trong cả nước sẽ được tập huấn thông tin về học nghề, dạy nghề với quan điểm không để thanh niên nào không có tiền để học nghề và tất nhiên các bạn thanh niên sẽ được vay vốn để học nghề.
Trong số những thợ trẻ giỏi được biểu dương lần này có những ý tưởng sáng tạo, sáng kiến, giải pháp mang lại giá trị kinh tế cho nhà máy, doanh nghiệp. Tiêu biểu là Giải pháp công nghệ khắc phục khó khăn "Cánh bơm đúc bằng đồng gia công trong nước" của Nguyễn Hồng Lộc, công nhân nhà máy nước Tân Hiệp- TP Hồ Chí Minh đã làm lợi cho nhà máy 4 tỷ đồng; Sáng kiến cải tiến dây chuyền xát và lau bóng gạo làm tăng 3 lần năng suất của Dương Văn Bé Hai, Công nhân vận hành máy, Công ty Lương thực Trà Vinh- Tổng Công ty Lương thực Miền Nam; Mai Hồng Phong, Công nhân xây dựng, Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 đã có sáng kiến hợp lý hoá sản xuất, rút ngắn thời gian thi công hàn nối cọc ván thép tại trụ T3 cầu Bến Lức, dự án xây dựng đường ô tô cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương- Long An...
Nhân dịp này Quỹ giải thưởng Người thợ trẻ giỏi đã chính thức ra mắt. Ngay tại buổi lễ, nhiều doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã quyên góp, ủng hộ Quỹ
Nữ phi công trẻ
Nữ phi công trẻ Nguyễn Ly Hương (sinh năm 1983). Năm 2008, Ly Hương tốt nghiệp khóa học ở Pháp, và trở thành nữ phi công đầu tiên của Việt Nam. Tháng 11/2008, Hương chính thức có quyết định về đội bay ATR-72, Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Tính đến nay, Hương đã thực hiện được 100 giờ bay. Ly Hương tâm sự: “Từ bé tôi đã có ước mơ trở thành phi công, nên khi thực hiện được ước mơ của mình, tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
Kể về chặng đường đầu tiên khi đến với nghề phi công, Hương cho biết: Sau khi tham gia một cuộc phỏng vấn của người Pháp, cô được đi Pháp học. Lúc đó, gia đình Hương rất hãnh diện và tự hào, còn bản thân Hương thì cảm thấy tự tin hơn để vượt qua các khó khăn sau này. Nói về cảm giác của mình khi được lái chuyến bay đầu tiên, Hương kể: “Cảm giác ngồi lái và điều khiển một chiếc máy bay thật tuyệt vời, như vừa khám phá một điều gì đó rất thú vị, một cảm giác khó diễn tả”.
Là người trực tiếp lái nên cô phụ trách các thao tác bay, cũng như xử lý các số liệu kỹ thuật. Trong công việc, Hương luôn cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, phấn đấu trở thành phi công giỏi tay nghề. Ngoài ra, Hương còn tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn. “Cũng như tất cả các bạn trẻ, sau những giờ làm việc bận rộn, Hương thường giải trí bằng cách nghe nhạc hay xem phim, đi chơi với bạn bè…” - Hương tâm sự.
Chàng trai 10 tỷ
Trần Văn Nhì - Quản đốc Phân xưởng Cơ khí, thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (Tập đoàn Vinashin) - có ba sáng kiến về công nghệ cơ khí đóng tàu làm lợi cho đơn vị trên 10 tỉ đồng.
Sinh ra tại Thủy Nguyên (Hải Phòng), sau khi tốt nghiệp khoa Kỹ sư chế tạo máy, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trần Văn Nhì quyết định trở về quê hương công tác tại TCty tàu thủy Nam Triệu. Với nhiều nỗ lực phấn đấu, Trần Văn Nhì không chỉ được giao trọng trách là Quản đốc phân xưởng, mà còn là Bí thư chi bộ phân xưởng cơ khí. Trong nhiều năm liền, anh đạt danh hiệu lao động giỏi (năm 2003, 2005, 2006) của Tập đoàn Vinashin. Năm 2007, anh Nhì đã đóng góp 3 sáng kiến cải tiến kỹ thuật: Chế tạo khóa giàn giáo - sản phẩm đầu tiên có mặt tại Việt Nam; Căn sập hạ thủy tàu đà trượt; Chế tạo dưỡng côn trên máy tiện để mở rộng khả năng công nghệ của máy gia công các côn trục lớn đến 150.000T.
Trong năm 2008, anh Nhì đã đóng góp một sáng kiến trong chiến lược nội địa hóa thiết kế và chế tạo thành công seri máy lốc tôn 3 trục. Sản phẩm này mở ra khả năng làm chủ việc chế tạo máy trong TCty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu và là một ngành nghề mới đem lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho công nhân và làm lợi cho Tổng công ty hơn 10 tỷ đồng./.