Đây là thành quả đáng ghi nhận của sự hy sinh thầm lặng, bất kể ngày đêm của đội ngũ y bác sĩ, những “chiến sĩ áo trắng” luôn ở tuyến đầu, để cùng với chính quyền và người dân đẩy lùi dịch bệnh, để mọi người dân được an toàn, khỏe mạnh.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ, luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19, với 5 ê kíp; mỗi ê kíp bao gồm bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên. Một ê kíp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là 14 ngày, sau đó cả ê kíp phải cách ly thêm 14 ngày nữa mới được trở về nhà. Như vậy, trung bình một thầy thuốc tham gia ê kíp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 phải ở cách ly 28 ngày. Ngoài nguy cơ bị lây nhiễm bệnh, những người thầy thuốc còn phải xa gia đình, người thân và cách ly với những sinh hoạt cộng đồng.
Bác sĩ Ngô Lê Vĩnh Phúc - Khoa Bệnh phổi không lao - Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thành phố Cần Thơ, một trong số bác sĩ trẻ tuổi nhận nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân Covid -19 tại bệnh viện cho biết: Khi ca bệnh đầu tiên chuyển vào bệnh viện là 24/3/2020, lúc đó ê kíp đầu tiên điều trị của bệnh viện bước vào khu cách ly; mọi người tạm biệt gia đình, người thân để lên tuyến đầu và kế đến là ê kíp thứ 2 của bác sĩ Phúc bước vào “cuộc chiến”. Ban đầu, ai cũng rất lo sợ, bởi vì bước vào cuộc chiến chống COVID-19, với một kẻ thù giấu mặt, mọi thứ đều là “ẩn số”. Thế nhưng bằng kiến thức của mình và sự hướng dẫn từ xa của Ban Giám đốc bệnh viện, bác sĩ tuyến trên, bác sĩ Phúc đã phần nào tự tin hơn.
Bác sĩ Phúc cho biết thêm, ngoài đảm nhận điều trị nâng đỡ đề kháng cho bệnh nhân dương tính với Covid-19, bác sĩ còn thường xuyên động viên tinh thần bệnh nhân an tâm, vững tin chiến thắng với bệnh tật. Theo bác sĩ Phúc, bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng, nâng đỡ đề kháng cho bệnh nhân. Niềm vui vỡ òa, khi thấy các ca bệnh đều hồi phục rất tốt, có bệnh nhân chưa đến 1 tháng đã âm tính và hồi phục sức khỏe, sinh hoạt ăn uống bình thường; tất cả như làm tan biến nỗi sợ hãi, lo lắng ban đầu của người bác sĩ trẻ phải bước vào cuộc chiến chống Covid -19.
“Tiếp xúc trực tiếp nhưng mình không làm thì ai làm. Ê kíp trước có anh con nhỏ, đã làm gương rồi nên mấy ca trực sau khi tới lượt phải đi thôi. Vào điều trị cho bệnh nhân là 14 ngày xong bác sĩ phải cách ly thêm 14 ngày nữa, không tiếp xúc; đồ ăn cũng phải qua các khâu kiểm tra, khử trùng, mới đưa vào. Lúc nào mình cũng phải sẵn sàng, trách nhiệm bởi đó là nghĩa vụ của mình”, bác sĩ Phúc nói.
Điều dưỡng Nguyễn Thái Ngọc Ngân - Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ, một trong số điều dưỡng cùng tham gia trong ê kíp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện. Chị Ngân nhớ rõ từng bước, quy trình thay đồ bảo hộ trong lúc chị tham gia chăm sóc cùng với ê kíp điều trị. Chị nói đây là khâu quan trọng, vì nếu chỉ cần sơ suất nhỏ nguy cơ lây nhiễm rất cao. Chị Ngân nhớ lại, trong suốt hành trình, nhận nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân Covid -19 tại bệnh viện, hằng ngày công việc chính của chị là phải đến lấy dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân như: kiểm tra mạch, huyết áp và nhịp thở để ghi nhận lại tình trạng của bệnh nhân, đây là công việc phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, nên chị cũng rất lo lắng, gia đình chị càng lo lắng hơn.
Chị Ngân cho biết, có một ấn tượng khó quên khi tham gia cùng ê kíp điều trị đầu tiên, vào tháng 8 năm ngoái; ê kíp của chị có điều trị cho một trường hợp bệnh nhân là công dân từ Philippines trở về. Đây là hành trình chăm sóc phức tạp nhất, bởi ca bệnh này có thời gian điều trị kéo dài nhất ở tại bệnh viện và diễn biến phức tạp nhất. Chị Ngân và cả ê kíp lúc đó thật sự rất lo lắng, nhưng với tinh thần hy sinh, sẻ chia của người thầy thuốc, mỗi người trong ê kíp đã tự nhắc nhau hãy cố gắng tuân thủ tuyệt đối quy trình phòng hộ, chống lây nhiễm, tất cả rồi sẽ vượt qua an toàn.
Chị Ngân chia sẻ: “Trong giai đoạn đó căng thẳng lắm, trong 14 ngày ở đây cứ lo lắng sợ hãi là không biết mình làm có sót khâu nào không; mặc dù mình chuẩn bị kỹ, đồ bảo hộ thay ra đúng quy trình. Trong công tác điều trị vừa qua, tất cả các ê kíp đã làm tốt, không có ai bị lây nhiễm hay có sơ suất gì. Thời gian đầu cũng lo lắng lắm, nhưng đã khoác lên áo blouse trắng rồi thì phải hoàn thành nhiệm vụ của mình thôi”.
Bác sĩ Trần Mạnh Hồng - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, Ban Giám đốc bệnh viện cũng đã kịp thời động viên, tạo mọi điều kiện về thu nhập cho các ê kíp tham gia trong công tác điều trị các bệnh nhân Covid-19 như: thưởng thêm 1 lương, lên lương trước hạn, hay cử đi học và xét khen thưởng của UBND thành phố cũng như của Sở Y tế... để bù đắp cho những hy sinh, vất vả của anh em làm nhiệm vụ cao cả.
Bác sĩ Hồng cho biết thêm: “Được ngành giao là 1 trong 4 bệnh viện chủ lực để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, lúc nào Bệnh viện cũng đưa ra phương châm là luôn luôn sẵn sàng với những ê kíp điều trị. Diễn biến dịch ngày càng phức tạp, do đó chúng tôi luôn xác định có bệnh nhân cách ly thì dù ngày hay đêm, ê kíp cũng sẵn sàng tiếp nhận và điều trị”.
Mặc dù, đến thời điểm này, Cần Thơ chưa ghi nhận ca bệnh Covid-19 nào trong cộng đồng trong đợt bùng phát mới nhất, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch hiện nay và dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng các y, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ luôn trong tâm thế sẵn sàng, nỗ lực hết mình để chung tay, góp sức cùng với chính quyền và người dân chiến thắng đại dịch Covid- 19./.