Trận tập kích cụm quân Mỹ đóng tại đồi Xuân Sơn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định vào cuối tháng 12/1966 do Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao vàng, Quân khu V đảm nhiệm. Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc, giáng một đòn nặng vào chiến thuật càn quét dai dẳng của quân Mỹ. Để có chiến công này, nhiều bộ đội, quân dân chính đảng địa phương đã hy sinh. Nhiều năm qua, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy, 79 tuổi nguyên cán bộ Đoàn 5501, hiện ở khu phố Tài Lương 1, phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định dành nhiều công sức kết nối với cựu binh Mỹ để định vị khu vực đã chôn liệt sĩ. Từ cố gắng của cựu chiến binh Đặng Hà Thụy, hố chôn tập thể đầu tiên tại đồi Xuân Sơn đã được tìm thấy và quy tập 60 hài cốt.
Năm 2005, khi vừa rời quân ngũ, ông Đặng Hà Thụy đã dành nhiều thời gian đi tìm kiếm hài cốt đồng đội. Từng chiến đấu tại vùng thung lũng Kim Sơn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định từ những năm 1960 nên cựu chiến binh Đặng Hà Thụy luôn đau đáu nỗi đau chiến tranh và thầm lặng đi tìm đồng đội đã hy sinh. Năm 2018, thông qua mạng xã hội Facebook, ông Đặng Hà Thụy làm quen với kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng. Ông Thắng là người có công mời các cựu chiến binh Mỹ sang Việt Nam tìm được hố chôn tập thể 153 hài cốt liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa.
Qua kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng, ông Đặng Hà Thụy đã liên hệ với một số cựu chiến binh Mỹ. Từ thông tin do cựu chiến binh Mỹ cung cấp về những liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, ông Thụy đã cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đi khảo sát, tìm kiếm tại thực địa nhưng chưa có kết quả do những thông tin còn khá mơ hồ.
Không nản chí, ông Thụy tiếp tục duy trì liên lạc qua email, Facebook với các cựu chiến binh Mỹ và mở rộng việc tìm kiếm thông tin ở các kênh khác. Cuối năm 2021, ông Thụy kết nối được với cựu binh Bob March, nguyên đại úy thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 đã từng tham chiến ở trận Xuân Sơn. Sau đó ông Bob chuyển cho ông Đặng Hà Thụy bảng tường thuật dài 3 trang A4 cùng các hình ảnh, sơ đồ vị trí hố chôn tập thể tại đồi Xuân Sơn. Có được những tài liệu quý, ông Thụy tìm cách dịch tư liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Khi mỗi bản dịch chính xác, đôi mắt của “người lính già” này lại sáng lên vì quãng đường tìm kiếm hài cốt ở đồi Xuân Sơn đã ngắn lại. Hàng đêm, ông Thụy trao đổi qua mạng với ông Bob March từ Mỹ để hỏi rõ hơn các hình ảnh ở khu vực đồi Xuân Sơn. Sau đó, các cựu chiến binh Mỹ cũng cung cấp thêm ảnh vệ tinh hiện tại, chỉnh sửa vị trí, điều chỉnh hướng và phạm vi cần khai quật tại đồi Xuân Sơn. Ông Đặng Hà Thụy trực tiếp dịch tài liệu rồi cung cấp cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định.
Từ thông tin cung cấp của cựu chiến binh Đặng Hà Thụy, ngày 11/3/2022, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định tổ chức khảo sát, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ ở đồi Xuân Sơn. Theo đó, đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã tìm kiếm, quy tập được khoảng 60 hài cốt liệt sĩ trong một hố chôn tập thể tại khu vực này. Cựu chiến binh Đặng Hà Thụy nhớ lại.
“Chiều ngày thứ 2 bắt đầu lộ ra những dấu vết đầu tiên của hài cốt. Mừng quá, mình tham gia ý kiến với anh em dân quân, tham gia với lực lượng tìm kiếm. Mình phải sử dụng công cụ về cách đào. Cứ 3 ngày tôi có mặt một lần, về nhà nhưng luôn kết nối ở trên đó người ta hỏi là mình tư vấn”- ông Thụy nói.
Giữa tháng 4 năm nay, khoảng 60 hài cốt liệt sĩ và quân dân chính đảng địa phương hy sinh tại đồi Xuân Sơn vào cuối năm 1966 đã được quy tập, đưa về an táng tại mộ tập thể trong Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Sau 56 năm nằm sâu trong lòng đất, những gì còn lại chỉ là những di vật như những chiếc ví da, lược, cúc áo… còn hình hài xương thịt của các anh, các chị đã hòa cùng đất đá, cỏ cây, thành những mạch nước chảy trong lòng đất mẹ. Giờ đây, hài cốt của các anh, các chị đã được trở về với đồng đội của mình ở Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ.
Hơn 4 tháng qua, hầu như tuần nào ông Đặng Hà Thụy cũng có mặt tại đồi Xuân Sơn để theo dõi tiến độ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Bất kể trời nắng mưa, những ngày có mặt vị trí đang tìm hài cốt liệt sĩ, ông Thụy theo dõi sát và nhắc lực lượng dân quân, bộ đội phải đào thật nhẹ, cẩn trọng, tỉ mỉ tránh làm mất dấu vết khi phát hiện di vật của liệt sỹ. Thậm chí khi phát hiện những nơi khả nghi là hố chôn tập thể, “người lính già” này lại xắn tay áo mang cuốc, xẻng để đào tìm. Với lực lượng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại đồi Xuân Sơn, ông Đặng Hà Thụy như người nhà bởi ông đồng hành với anh em trong từng công đoạn tìm kiếm đồng đội.
“Sau lễ truy điệu, đội tìm kiếm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Quá trình tìm kiếm trước tiên dùng phương tiện máy múc, múc từ từ chứ không phải múc theo kiểu san lấp mặt bằng cho nên thời gian cũng hơi lâu. Múc xong rồi rê để anh em bới đất tìm các di vật nghi ngờ. Những điểm mà từ thu thập thông tin do bác Đặng Hà Thụy cung cấp, các hướng nghi ngờ cũng đã tìm cơ bản gần hết. Xác định tìm cho hết hài cốt liệt sĩ ở đây mới hoàn thành nhiệm vụ”- Thiếu Tá Phạm Thanh Tấn, Trưởng Ban Chính Sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định cho biết.
Đồi Xuân Sơn là một ngọn đồi thấp, phía đông bắc giáp núi Gò Công, 3 hướng còn lại giáp sông Nước Lương chảy qua địa phận xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Trải qua quá trình canh tác hàng chục năm của người dân, địa hình nay có nhiều thay đổi nên việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ gặp nhiều khó khăn. Hơn 4 tháng qua, Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tỉnh Bình Định cùng cựu chiến binh già Đặng Hà Thụy nỗ lực tìm kiếm hố chôn tập thể ở đồi Xuân Sơn, từ diện tích tìm kiếm ban đầu hơn 1,2ha đến nay đã mở rộng gần 3ha. Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ quyết tâm từ nay đến trước ngày 27/7 phải tìm ra những hài cốt liệt sĩ còn lại theo thông tin được cung cấp. Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định cho biết, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy đã liên hệ được 6 cựu chiến binh Mỹ, cuối tháng 7 này họ sẽ trở lại đồi Xuân Sơn để giúp xác định rõ hơn vị trí đã chôn các chiến sĩ hy sinh tại đây.
“Cựu chiến binh Đặng Hà Thụy là một cựu chiến binh tuy tuổi cao sức yếu nhưng rất tâm huyết đi tìm các thông tin trên mạng, các trận đánh trước đây có hố chôn tập thể cung cấp cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng kế hoạch khảo sát, cất bốc. Ông rất có trách nhiệm của thế hệ đi sau với những đồng chí, đồng đội. Tuổi cao sức yếu nhưng mà đồi Xuân Sơn chú đi gần hết. Tôi đi với ông, nhiều lúc thấy là thương”- Đại tá Nguyễn Xuân Sơn cho biết./.