ly_thai_to_sua_tkke.jpg
1. Lý Công Uẩn (974-1028): Là vị vua đầu nhà Lý (hiệu là Thái Tổ). Nghị lực, thông minh, văn võ song toàn, ông được tiến cử vào quan trường, thăng đến chức Điện tiền Chỉ huy sứ, phụ trách quân cấm vệ. Nhà Tiền Lê suy yếu, năm 1009 Lê Ngọc Triều mất. Được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân và hậu thuẫn của quần thần ông được suy tôn lên ngôi năm 1010, khai sinh Vương triều Lý và cho rời Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội), đổi tên thành Thăng Long. Ông còn thực thi cải cách mạnh mẽ công quyền, kinh tế, văn hoá, lễ nghi và chấn hưng Phật giáo… (Ảnh KT)

2. Lê Thánh Tông (1442 - 1497), là vị hoàng đế có thời gian trị vì lâu nhất thời Lê sơ, tổng cộng 38 năm. Ông là hoàng đế anh minh, lỗi lạc nhất thời Hậu Lê. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhà nước Đại Việt cực kì phát triển mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và quân sự. Ông đã đưa Đại Việt thành một cường quốc lớn mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Lê Thánh Tông thích ngâm vịnh thi ca nên đã lập ra Quỳnh Uyển Cửu Ca cho dân nước biết cái hay cái đẹp của chữ nghĩa để sống tốt. Lập ra Tao Đàn thi hội. Họ tôn Lê Thánh Tông là Nguyên soái Thi đàn Nhị Thập Bát Tú vì tài năng hơn người. (Ảnh KT)

3. Trần Quốc Tuấn (1226- 1300):quê Nam Định, danh tướng đời Trần, Anh hùng dân tộc, phong chức Tiết chế, thống lĩnh toàn bộ quân đội. Là thiên tài quân sự, ông từng lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh bại 3 cuộc xâm lược của giặc Nguyên Mông-đế quốc mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, bảo vệ vững chắc độc lập Tổ quốc. Ông cũng để lại nhiều bài học về đức độ, xử thế, dùng người và những tác phẩm chính luận, quân sự nổi tiếng: Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư….(Ảnh KT)

4. Nguyễn Công Trứ (SN 1788): tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu là Hy Văn, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1819, Nguyễn Công Trứ thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan, bấy giờ đã 31 tuổi. Ông là người văn võ song toàn. Trong gần 30 năm làm quan, Nguyễn Công Trứ có đến khoảng 25 năm làm đường quan (quan cai trị), cao nhất tới chức Thượng thư, chức Tổng đốc. Là một vị nho tướng, Nguyễn Công Trứ có lẽ là người có quãng đời binh nghiệp lâu nhất, đã tham gia vào nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch, trên mọi vùng miền đất nước, ở mọi địa bàn, đối đầu với các loại đối thủ và mang về nhiều quân công nhất. (Ảnh KT)

5. Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941):Là nhà hoạt động cách mạng, chiến sỹ cộng sản kiên trung. Năm 1930, bà sang Trung Quốc làm việc tại Văn phòng Đông Phương, Bộ Quốc tế Cộng sản. Cùng năm này, bị mật thám Pháp bắt tại Hồng Kông, năm 1934 được trả tự do. Cuối năm đó, bà cùng Lê Hồng Phong được cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản tại Moskva. Năm 1936, bà được phân về công tác tại Sài Gòn, tham gia Xứ uỷ Nam Kỳ và phụ trách Thành uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn. Ngày 30/7/1940, bị địch bắt. Trong tù, bà vẫn bí mật liên lạc với tổ chức bên ngoài, tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng và bị giặc xử bắn ngày 28/8/1941. (Ảnh KT)
6. Trần Đăng Ninh (1910- 1955): là nhà hoạt động cách mạng, quê ở làng Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Năm 20 tuổi, ông bắt đầu tham gia cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 25 tuổi. Năm 1940, ông được Xứ uỷ Bắc Kỳ cử lên chiến khu chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Năm 1941, khi ông làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ thì bị Pháp bắt. Ông đã cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng vượt ngục, trở về tham gia Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, để chuẩn bị cướp chính quyền vào tháng 8/1945. (Ảnh KT)
7. Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 – 24/12/1996): Ông quê ở Long An, luật sư, chính khách yêu nước. Năng động, mạnh mẽ, giàu chí tiến thủ, ông mở văn phòng luật sư và tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ dân chủ, hoà bình, chống thực dân, đế quốc. Tháng 11/1954, ông bị chính quyền Diệm bắt nhưng sau đó được lực lượng cách mạng giải thoát ra vùng chiến khu. Năm 1961, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 ông được giữ chức Phó Chủ tịch nước, từ năm 1980 làm Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến lúc qua đời (1996). Góp công lớn cho phong trào cách mạng và dân chủ đất nước, ông được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. (Ảnh KT)
8. Tạ Quang Bửu (1910-1986):Giáo sư toán, nhà hoạt động khoa học. Thuở nhỏ học tại Quảng Nam, Huế, tốt nghiệp giành học bổng du học Pháp, Anh. Uyên bác, nhiệt tình, ra trường về nước giảng dạy, chuyên tâm nghiên cứu toán lý thuyết và toán ứng dụng vào sinh học, vật lý, hoá học. Ông cũng hăng hái hoạt động chính trị, xã hội, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, trở thành Thứ trưởng Bộ quốc phòng. Sau năm 1954, phụ trách việc đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật với cương vị Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp. Ông được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. (Ảnh KT)
9. Nhà văn Nguyễn Tuân (1910 - 1987):là người Thanh Hóa, mẹ mất sớm. Từ đó, Nguyễn Tuân bôn ba cùng cha là cụ Tú Hải Vân nên kiến thức phổ thông của ông vô cùng phong phú. Cả con người, phong cách, tác phẩm đều toát lên những điều mới lạ, độc đáo, quý phái mà dân dã, dễ mến, dễ yêu. Ông từng là Tổng thư ký Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và để lại những tác phẩm văn chương nổi tiếng. Ngoài tên Nguyễn Tuân ký trên các tác phẩm, ông còn ký các tên khác là: Ngột Lôi Quất, Thanh Hà, Ân Ngũ Tuyên, Tuân Thừa Sắc cho các bài văn đăng báo. Nhà văn Nguyễn Tuân đã để lại cho đời những tác phẩm vô cùng ấn tượng: Tập truyện Vang Bóng Một Thời (1940); Tiểu thuyết Chiếc Lư Đồng Mắt Cua (1941); Bút ký Một Chuyến Đi (1941); Tiểu thuyết Tóc Chị Hoài (1943). (Ảnh KT)