Nấu rượu - mua rượu - uống rượu cứ vẫn diễn ra hàng ngày và những câu chuyện buồn cứ tiếp tục xảy đến, nhẹ thì bệnh tật, nặng thì mất mạng, số gia đình tan cửa nát nhà vì rượu cũng chưa dừng lại.

vov_ngo_doc_ruou_1_pmnp.jpg
Gia cảnh đi xuống khi anh Kiến mất dần sức lao động.

Ngôi nhà gỗ sập sệ nằm ven đường Vĩnh Kiên - Yên Thế chạy qua thôn Trại Máng, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái từng rất đẹp. Chủ nhân của nó - anh Nông Đình Kiến - người thợ mộc tài hoa nổi tiếng khắp vùng, trước đây đã tự tay tạo nên. Không riêng nhà mình, trong nhiều năm, anh đã giúp nhiều gia đình ở đất này dựng được những căn nhà xinh xắn, vững chắc. Vậy mà nay, anh trở nên loẹo khoẹo, chỉ có thể dùng tay lê từng bước quanh nhà.
Chị Đinh Thị Phương - vợ anh Kiến cho biết: tất cả là vì rượu. Từ thời thanh niên, sau mỗi cuộc giúp dựng nhà, anh thường được gia chủ mời cơm, mời rượu. Mỗi lần như thế, anh đều uống hết mình, rồi nghiện rượu lúc nào không hay. Cách đây hơn 10 năm, chân tay anh bắt đầu run rẩy rồi tê liệt, dạ dày thì viêm loét. Khổ nỗi đi chữa bệnh mà vẫn không thể bỏ được rượu. Đến nay, dù bệnh tình ngày càng nặng, nhưng vợ anh vẫn ngày ngày phải mua rượu cho anh uống với liều lượng nhất định.
Chị Đinh Thị Phương cho biết: “Lúc đầu tôi nghĩ chồng mình bị động kinh, co giật, co quắp chân tay, giật trợn mắt trợn mũi lên ghê lắm. Thế là tôi đưa đi bệnh viện, bác sỹ khám xong bảo cái này không phải là động kinh mà do ảnh hưởng của rượu. Hơn 10 năm nay chồng tôi không còn khả năng lao động nữa, tôi vừa phải làm cha vừa phải làm mẹ mười mấy năm nay...”.
Nhớ lại vụ ngộ độc rượu vừa xảy ra với mình cách đây 2 tháng, anh Nguyễn Văn Tấn, ở thôn 7, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái vẫn chưa hết sợ. Nếu đến viện chậm vài phút, không biết hậu quả sẽ đến đâu. Rằm Tháng Giêng, anh được mời đi dự cơm. Trong bữa, chủ nhà đã mang rượu ngâm các loại cao, huyết lình và cả củ gấu tầu ra mời khách. Sau hớp rượu đầu tiên tê cứng lưỡi, anh nhận ra rượu có độc tố và kịp dừng lại. Mặc dù vậy, anh và 2 người khác, người nhà vẫn phải đi cấp cứu và rất may đã qua khỏi.
Anh Nguyễn Văn Tấn cho biết: “Đi xe máy về đến nhà khoảng 15 phút thì các cháu phải xuống xoa bóp cho rồi ngất không biết gì nữa. Từ lúc 12 giờ kém đi viện tôi không nhận thức được gì đến tận 3 giờ đêm mới tỉnh lại. Bây giờ những người uống rượu nhiều, tôi khuyên là rượu không chuẩn đừng uống...”.

Từng là người thợ tài hoa, anh Kiến (ngoài cùng, bên phải) đến giờ không còn sức lao động.
Chị Hà Thị Thúy quê ở xã Phù Nham, huyện Văn Chấn cũng chưa hết đau buồn khi kể về những người thân trong gia đình chết vì uống quá nhiều rượu. Trong đó, anh rể và em trai chị đều bị bệnh gan, rồi mất khi chưa đầy 50 tuổi, bỏ lại nhiều gánh nặng cho gia đình, vợ con. Theo chị, các loại rượu ở quê chị thường có pha chế thêm hóa chất để tăng số lượng, nên rất độc. Chỉ một thời gian ngắn dùng loại rượu này là những người đàn ông sẽ run rẩy chân tay và phát sinh nhiều bệnh.
Hiện nay, ở các làng quê tỉnh Yên Bái, việc nấu rượu thủ công, mua bán và sử dụng các loại rượu này vẫn diễn ra phổ biến. Người dân tự mua dụng cụ về, ủ men và cho vào nấu. Việc lựa chọn loại gạo, loại men phụ thuộc tất cả vào ý thức của người nấu; người mua về uống sẽ phải chấp nhận sự may rủi khi dùng các loại rượu này. Chị Hoàng Thị N, một hộ kinh doanh rượu tự nấu ở xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái khẳng định: “rượu mình rất chất lượng, uống vào đảm bảo và không bao giờ có chuyện bị ngộ độc”:
Những vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương, khiến người dân Yên Bái không khỏi lo lắng. Hiện, chính quyền các địa phương cũng nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng rượu, song khó có thể ngăn chặn bằng các biện pháp khác.
Lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái cũng đang tích cực kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên địa bàn. Thế nhưng, để hạn chế những hậu quả do các loại rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc gây nên, thiết nghĩ phải có sự thay đổi lớn trong chính suy nghĩ và ý thức của người dân vùng cao, miền núi – nơi uống rượu đã trở thành một thói quen, tập quán…/.