Trao đổi về thị trường lao động cuối năm, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thống kê hết tháng 11, toàn TP Hà Nội có 24.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 303.300 tỷ đồng, thực hiện thủ tục giải thể cho 2.269 doanh nghiệp, 10.100 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, 5.774 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Ông Vũ Quang Thành cho rằng, nền kinh tế đang tiếp tục có các dấu hiệu phục hồi, tạo điều kiện nâng cao nhu cầu sử dụng lao động. Một số ngành nghề có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh như dệt may, da dày, may mặc, du lịch, khách sạn kèm theo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực lớn ở các vị trí như nhân viên kế toán, nhân viên dịch vụ nhà hàng, nhân viên bán hàng...
Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 tại các nước vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường dẫn đến nguồn nguyên liệu bị gián đoạn, nhiều đơn hàng bị hủy, chậm thanh toán, hạn chế khai thác các đường bay quốc tế, hạn chế các hoạt động lễ hội, vui chơi, tập trung đông người, nên những ngành này vẫn chịu ảnh hưởng nhất định.
“Theo khảo sát, vào tháng 11, thị trường lao động nghi nhận những tín hiệu lạc quan hơn như nhu cầu tuyển dụng có xu hướng tăng, các doanh nghiệp gia tăng hoạt động sản xuất để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao ở các vị trí như nhân viên văn phòng, dịch vụ, bán hàng, chuyên viên nghiệp vụ tư vấn xây dựng, bất động sản.... Trong tháng 11, số lượng doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng lao động ở Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội tăng cao hơn những tháng trước. Nhiều doanh nghiệp tuyển đến hàng trăm lao động như Canon Việt Nam, Big C”, ông Vũ Quang Thành cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Thành, trong tháng 11, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng, tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm, tuy nhiên thu nhập của người lao động vẫn chưa được cải thiện so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.
Kịch bản nào cho thị trường lao động thời gian tới?
Dự báo tình hình thị trường lao động trong thời gian tới, ông Vũ Quang Thành cho rằng, trong tháng 12 và quý I/2021, nền kinh tế có xu hướng dần phục hồi. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường gây ra những hậu quả lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp tới giao thương của Việt Nam.
Ông Thành cho rằng, thị trường lao động trong thời gian tới có khởi sắc hay không còn phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của dịch bệnh.
Nếu dịch bệnh tiếp tục được khống chế tốt, cùng với đó là mở rộng giao thương với các đối tác quốc tế, hoạt động lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp dần được khôi phục và sôi động hơn. Điều này cũng sẽ khiến nhu cầu tuyển dụng lao động có những chuyển biến tích cực, hạn chế tình trạng lao động bị ngừng việc, mất việc. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, doanh nghiệp tăng gia sản xuất kinh doanh để phục vụ các dịp Tết, do đó, nhu cầu tập trung vào nhân sự ở vị trí cấp thấp hoặc lao động bán thời vụ, bán thời gian. Các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao như kinh doanh, thương mại, dịch vụ vận tải... Mức lương của người lao động dự báo chủ yếu sẽ ở mức từ 5-8 triệu đồng/tháng.
Cũng theo ông Vũ Quang Thành, tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, dự kiến nhu cầu tuyển dụng 1 số ngành có xu hướng tăng từ 10-20% cụ thể: Ngành dệt may, da giày, may mặc, nhu cầu tuyển dụng có thể tăng thêm từ 6.000-8.000 vị trí.
Ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng có thể tăng nhu cầu tuyển dụng thêm từ 4.000-5.000 vị trí, Marketing từ 8.000-10.000 vị trí...
Số lượng lao động mất việc làm hàng tháng dự kiến cũng sẽ có xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, cũng không thể chủ quan với trường hợp dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và thị trường lao động. Các hoạt động công nghiệp, dịch vụ phục vụ thị trường nội địa sẽ suy yếu như đầu tư, xây dựng, du lịch... Số người lao động mất việc hàng tháng sẽ tăng cao, khoảng 10.000-12.000 lao động. Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên đến 60-70%./.