Trên quê hương Quảng Nam trung dũng kiên cường, rất nhiều người con của vùng đất này vinh dự được gặp Bác Hồ. Cứ sau mỗi lần gặp Bác, nhớ về những tình cảm yêu thương và lời dặn dò của Người, ai nấy cũng cố gắng lập công dâng Bác.
Sinh ra tại phường Hòa Hải, thành phố Đà Nẵng nhưng Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam luôn xem xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam – một vùng đất 3 lần được phong tặng anh hùng, làm quê hương thứ hai của mình. Nơi đây, từ thuở lên 10, ông đã lập nên những chiến công vang dội. Tận mắt chứng kiến quân thù giày xéo quê hương, tàn sát dân lành một cách dã man, những đứa trẻ như Nguyễn Trung Thu đã biết cầm súng đánh giặc. 2 năm làm du kích xã, cậu bé Thu tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, cùng đồng đội tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ- Ngụy, diệt xe tăng, bắn cháy nhiều máy bay địch… Mới hơn 10 tuổi, cậu bé Thu đã 4 lần được nhận danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ. Với thành tích chiến đấu ngoan cường, năm 1966, Nguyễn Trung Thu vinh dự có mặt trong Đoàn Dũng sỹ diệt Mỹ miền Nam ra thủ đô gặp Bác Hồ. Lúc ấy, cậu bé Thu vừa tròn 13 tuổi. Những lời dặn dò yêu thương của Bác như tiếp thêm ngọn lửa cách mạng đang cháy bỏng trong ông. Về lại chiến trường, ông tiếp tục chiến đấu và lập nhiều chiến công, để rồi 3 năm sau, lại được ra Hà Nội dự Đại hội chiến sỹ thi đua và gặp Bác Hồ. Với Trung tướng Nguyễn Trung Thu, những năm tháng chiến đấu trong lòng địch, sự sống và cái chết thật mong manh, hay sau này tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, rồi trở thành Tư lệnh Quân đoàn 3, Tư lệnh Quân khu V trực tiếp dẫn quân đi chống bão, cứu người, và giờ là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông vẫn luôn khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ:
Ông Thu nói: “Yêu thích Bác Hồ từ những ngày bọn mình còn rất nhỏ. Nhưng mà khi gặp Bác Hồ có một cái gì đó nó gần gũi như là gặp cha mình, gặp chú bác mình. Về Nam lại bọn mình đánh nhau rất là dũng cảm, ngoan cường hơn trước, mà có cái gì đó thôi thúc chiến đấu, sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Hy sinh vì Tổ quốc qua câu nói của Bác Hồ. Có lẽ trong chiến tranh phong trào thi đua thực sự thúc đẩy, một động lực rất lớn đối với đội ngũ cán bộ chiến sỹ”.
Hàng chục năm trôi qua, nhưng đến nay vợ chồng ông Trần Mịch ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cũng chưa quên giọng nói của Bác Hồ về “Thi đua là yêu nước”. Ngày ấy, cán bộ, công nhân Xí nghiệp May 10 được đón Bác đến thăm hỏi, động viên mọi người thi đua sản xuất. Chỉ tay vào những tấm ảnh Bác Hồ chụp chung với cán bộ, công nhân Xí nghiệp May 10 khi lần đầu tiên Người đến thăm xí nghiệp vào ngày 8/1/1959, ông Trần Mịch, nguyên Giám đốc Xí nghiệp May 10, bảo rằng: “Hồi ấy Bác đến thăm công nhân ở cả 4 phân xưởng, thấy cờ đỏ, cờ xanh treo nơi làm việc và biết đó là cờ thành tích của mỗi người giành được trong phong trào thi đua tăng năng suất lao động, Bác vui lắm. Sau lần ấy, phong trào thi đua nơi đây càng sôi nổi hơn”:
Ông Mịch cho biết: Nói thật, ngày xưa mà có Bác Hồ về thăm phát động thi đua thì vinh dự, sung sướng lắm, làm chết thôi. Không bao giờ nhà máy vắng người, cặm cụi làm việc, không ăn cơm nhà cơ mà. Bác Hồ mất thì cả nước khóc rồi, nhưng mà riêng may X là phát động phong trào may cờ để treo trong Lăng và đi khắp nơi, rứa là may không biết bao nhiêu cờ. Suốt ngày suốt đêm cặm cụi may cờ, may lá to, lá nhỏ gửi đi khắp cả nước.
Vợ của ông Trần Mịch là bà Võ Thị Thiền, từng làm công nhân phân xưởng may của Xí nghiệp May 10 nhớ lại: sau lần xí nghiệp may tặng Bác Hồ bộ quần áo, Bác đã viết thư cảm ơn cán bộ, công nhân với những lời giản dị, đầy xúc động: “ Cảm ơn các cô, các chú đã biếu Bác bộ áo. Bác nhận rồi, nay Bác gửi bộ áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua. Khi nào đợt thi đua kết thúc, ai khá nhất thì được giải thưởng ấy”. Và cũng từ đó, các phong trào thi đua “giành cờ đỏ, bỏ cờ xanh”; hay “Tháng không tuần, tuần không thứ, thứ không ngày; ngày không giờ”; và “ mỗi người làm việc bằng 2 vì miền Nam ruột thịt”… được dấy lên sôi nổi trong toàn Xí nghiệp. Bà Thiền tâm sự, ngày ấy thi đua hăng hái lắm, nhưng phần thưởng chỉ là tinh thần, có lúc chỉ một lời khen nhưng mọi người ai nấy đều nỗ lực thi đua làm ngày, làm đêm, quên ăn, quên ngủ, thậm chí có người thắp đèn dầu may quân trang phục vụ chiến trường đến quá nửa đêm: “Phong trào liên tục không lúc nào bỏ, nhưng mà Bác về thì tinh thần hăng hái lên hơn nữa. Lúc nào cũng là thi đua cờ đỏ, cờ xanh, cũng là tranh giải năng suất cao, chất lượng tốt, không có nói đền tiền công gì hết, chỉ miễn là làm thế nào xây dựng nhà máy, công ty giàu có là được rồi, lúc nào nhộn nhịp kẻ vô, người ra rồi hát hò, vui vẻ lắm. Hồi nớ nói Bác chết ai cũng cảm động, càng khóc họ càng hăng hái may”- Bà Thiền nhớ lại.
Những người dân Xứ Quảng may mắn được gặp Bác Hồ như Trung tướng Nguyễn Trung Thu hay vợ chồng ông Trần Mịch vẫn luôn nhớ về Bác. Trong những ngày này, nghĩ về Bác, họ lại nghe vang vọng lời dặn của Người rằng “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. .../.