Ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐTV - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, sau 3 ngày vận hành đầu tiên, các lượt tàu đã được chạy đủ theo biểu đồ hoạt động; tổng số chuyến đạt 287 lượt/ngày; tần suất đạt 6 phút/lượt - giờ cao điểm, 10 phút lượt - giờ bình thường… đáp ứng gần như tuyệt đối các yêu cầu được đưa ra.

Về nhân công vận hành trên tuyến, theo ông Trường, hiện tuyến đã bố trí cơ bản đủ 650 người vận hành trên tuyến, thời gian nhân viên trực và vận hành tàu là từ 5h sáng đến 23h đêm các ngày.

Sau 3 ngày đầu tiên tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thử, chiều 14/12, đại diện đơn vị vận hành đã cung cấp một số thông tin bước đầu về kết quả.

Theo đó, tàu Cát Linh - Hà Đông đang được vận hành kỹ thuật 20 ngày trước khi đi vào vận hành chính thức. Theo cam kết của lãnh đạo Bộ GTVT, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành trong tháng 1/2021 (trước Đại hội Đảng).

Khác với các lần vận hành kỹ thuật trước đây (chỉ 1- 2 đoàn tàu chạy), lần này đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT và Tổng thầu Trung Quốc đã cho chạy tất cả 13 đoàn tàu của dự án để kiểm tra các thông số kỹ thuật, kết nối liên hợp.

Từ 5h sáng ngày12/12, những chuyến tàu đầu tiên đã chạy trên tuyến đường sắt dài 13 km. Đến mỗi nhà ga, tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để đón trả khách như khi khai thác thương mại. Các đoàn tàu chạy tần suất 6-7 phút/chuyến, cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến, vận hành liên tục từ 5h đến 23h hàng ngày. Mỗi ngày sẽ có từ 6 đến 9 đoàn tàu hoạt động.

Được biết, trong suốt quá trình vận hành kỹ thuật này, từ vận hành các đoàn tàu đến khớp nối với các hệ thống khác như đường ray, nhà ga, tín hiệu…đều được Tư vấn ACT (Pháp) giám sát, điều chỉnh chặt chẽ.

Qua 3 ngày vận hành đầu tiên theo phương án trên, tuy các lượt tàu chạy đạt 100% theo biểu đồ nhưng cơ quan chức năng ghi nhận vẫn còn một số lượt chuyến không chở khách, không bị ảnh hưởng bởi điều kiện vận hành nhưng vẫn chậm giờ về ga từ 1- 2 phút.

Nói về việc bị chậm giờ này, ông Trường cho biết, do tư vấn Pháp đưa ra các tình huống kiểm tra bất ngờ khi tàu đang hoạt động trên tuyến hoặc tiếp cận ga. Các tình huống giả định này bao gồm: tư vấn bất ngờ báo có cháy trên tàu, tự ý mở cửa sổ để thò đầu ra ngoài, tàu gặp chướng ngại vật khi đang vận hành…Mặc dù giả định, nhưng tất cả các tình huống yêu cầu nhân viên trên tàu phải xử lý dứt điểm.

Theo kế hoạch vận hành kỹ thuật đang được thực hiện, các đoàn tàu của dự án vận hành không tải trong 20 ngày, sau đó tư vấn Pháp và Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu, đánh giá.

Chưa có phương án xử lý khi tàu bị cháy ở giữa toa

Sau 3 ngày đầu tiên chạy thử tàu, tư vấn Pháp đã chỉ ra một số “lỗi” về quy trình vận hành để đảm bảo an toàn của tổng thầu Trung Quốc.

Cụ thể, khi đoàn tàu đang chạy trên tuyến, tư vấn Pháp đưa ra tình huống cháy xảy ra ở giữa tàu để đơn vị vận hành xử lý. Với phương án này, theo yêu cầu của đại diện tổng thầu Trung Quốc, lực lượng vận hành không được bấm nút báo động để bơm khí tươi vào, vì đại diện tổng thầu giải thích rằng, khi cháy mà bơm khí tươi vào sẽ làm ngọn lửa bùng cháy thêm (hư hại tàu).

Nhưng tư vấn Pháp không chấp nhận cách xử lý này, yêu cầu: khi xảy ra cháy trên tàu, lực lượng vận hành phải báo động và bơm khí tươi vào để giữ khí thở cho khách, còn tàu cháy thì phải chấp nhận.

Đánh giá về cách xử lý này, chuyên gia đường sắt đô thị cho rằng, trong phương án vận hành tàu, châu Âu họ tôn trọng con người (hành khách), còn tổng thầu tại dự án Cát Linh - Hà Đông lại quan tâm đến giữ an toàn cho phương tiện.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 28/10 vừa qua về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, thành phố Hà Nội có tinh thần hợp tác cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, dành nhiều thời gian xử lý các vấn đề đặt ra.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cam kết, trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện và cố gắng tối đa để đưa dự án Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tháng 1/2021)./.