Là 1 tri thức trẻ, trong danh sách thực hiện dự án tại tỉnh Điện Biên, tháng 8/2012 Bạc Cầm Nga, Cử nhân Lâm – Sinh, Đại học Tây Bắc được phân công nhiệm vụ công tác tại UBND xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, với chức danh Phó chủ tịch UBND xã, phụ trách lĩnh vực kinh tế - tài chính.
Phó Chủ tịch UBND xã Na Son Bạc Cầm Nga hướng dẫn bà con trên địa bàn kỹ thuật trồng trọt |
Qua quá trình công tác tại địa bàn, Nga đã khẳng định được bản thân khi tham gia giúp UBND xã ban hành nhiều quy chế làm việc, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính và điều hành các hoạt động của UBND xã theo đúng quy chế làm việc. Từ đó góp phần làm thay đổi thái độ của cán bộ công chức với thực hiện nhiệm vụ, công vụ, từng bước thay đổi lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức cấp xã nơi đây.
Với những kiến thức đã học, anh đã mạnh dạn tham gia xây dựng, triển khai nhiều đề án, mô hình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cấp chính quyền và bà con nhân dân địa phương. Từ đây, làm thay đổi nhận thức trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu của địa phương, từng bước tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Sau 5 năm công tác tại địa bàn, Bạc Cầm Nga đã nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Điện Biên, cấp chính quyền huyện, xã và đoàn thể vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện dự án 600 Phó chủ tịch xã. Hiện nay, khi đề án đã chuẩn bị kết thúc, mong muốn lớn nhất của anh là vẫn được giữ lại công tác tại xã, cống hiến trí tuệ cho sự phát triển chung của địa phương.
Anh Bạc Cầm Nga, Tri thức trẻ bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND xã Na Son, huyện Điện Biên Đông cho biết: Tính đến nay, thời gian công tác cũng đã được 5 năm và dự án cũng đã sắp kết thúc . Trong thời gian công tác anh luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ mà cấp ủy chính quyền giao phó, đồng thời là tham mưu cho cấp ủy chính quyền trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo. Anh cũng coi ở đây như là quê hương thứ 2 của mình, đồng thời cũng đã xây dựng gia đình ngay tại địa phương nên sau khi dự án kết thúc thì cũng có nguyện vọng tiếp tục được cống hiến và công tác tại địa phương.
Triển khai thí điểm dự án này, huyện Điện Biên Đông được bố trí 6 tri thức trẻ công tác tại các xã: Noong U, Mường Luân, Na Son, Pú Hồng, Háng Lìa, Tìa Dình trong tổng số 13 xã của huyện. Đây đều là những xã vùng sâu, vùng xa, thuộc diện đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II của Chính phủ. Qua quá trình thực hiện, theo đánh giá từ cơ sở các xã, chính quyền các cấp thì cơ bản số tri thức trẻ đáp ứng yêu cầu công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có ý chí phấn đấu, tinh thần trách nhiệm, gần dân, có lòng nhiệt huyết và phát huy được kiến thức đã học ở nhà trường áp dụng vào quá trình thực hiện tại địa phương.
Chuẩn bị kết thúc dự án, bố trí nhân lực theo quy định, huyện Điện Biên Đông đã có phương án sử dụng 6 tri thức trẻ làm công chức xã, hoặc công chức tổng hợp. Như vậy họ sẽ không được làm Phó chủ tịch ngay. Bởi theo quy định tại điều 34 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thì Ủy ban nhân dân các xã loại II và loại III chỉ được biên chế một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Các xã có tri thức trẻ cũng đã chấp nhận với phương án trên và có tờ trình UBND huyện duyệt phương án. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng ở cấp xã cần được biên chế 2 phó chủ tịch Ủy ban nhân dân mới đáp ứng được yêu cầu công việc. ..
Ông Lò Văn Điện, Bí thư Đảng ủy xã Na Son, huyện Điện Biên Đông cho biết: Xã Na Son cũng như các xã khác mong muốn có 2 Phó Chủ tịch để đảm bảo công tác phát triển kinh tế xã hội vì đây là một vấn đề trọng tâm. Các tri thức trẻ đã đem lại lợi ích cho bà con rất nhiều. Trong thời gian tới ông đề nghị Chính phủ, Đảng, Nhà nước quan tâm hơn đến vấn đề này.
Về phía chính quyền huyện, ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay Điện Biên Đông cũng đã có phương án là sử dụng số tri thức trẻ này. Tuy nhiên, theo dự án thì cũng sẽ không được làm phó chủ tịch ngay vì theo luật chính quyền địa phương thì mỗi xã chỉ được 1 phó chủ tịch, không còn chỗ để các đồng chí này tiếp tục làm phó chủ tịch.
Trao đổi với ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên, được biết: quan điểm của tỉnh Điện Biên vẫn chủ trương ủng hộ những nội dung của dự án, nhưng vẫn nên có những bước chuẩn bị kỹ càng cho các đội viên tốt hơn trước khi bước vào vai trò quản lý. Bởi khi vừa học xong, xuống cơ sở để làm quản lý ngay thì kinh nghiệm về thực tế, khả năng xử lý các tình huống đối với cơ sở vẫn còn những hạn chế nhất định.
Do đó, tỉnh Điện Biên đã có phương án sắp xếp, bố trí 30 đội viên của dự án trực tiếp làm việc ở cơ sở, đảm nhiệm vai trò công chức xã. Qua đó để các đội viên có thêm thời gian, kinh nghiệm, hội đủ tố chất lãnh đạo, nhãn quan chính trị khi đó mới có thể đảm nhiệm được chức danh Phó chủ tịch xã một cách tự tin và đảm đương được nhiệm vụ đặt ra. Bên cạnh đó, cũng sẽ phù hợp hơn với quy trình quy hoạch cán bộ, các bước xem xét để bầu Phó Chủ tịch xã theo quy định của Luật chính quyền địa phương.
Ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên cho biết: Trong phương án bố trí của tỉnh, có bố trí 30 đội viên đảm nhiệm chức vụ công chức ở cấp xã. Và theo dự kiến của tỉnh, Sở Nội Vụ hướng dẫn và chỉ đạo các huyện vào cuối tháng này 30/6/2017 thì tất cả các huyện thuộc dự án đều có phương án sắp xếp gửi về sở nội vụ và bắt đầu từ 1/7/2017 thì sẽ tiếp nhận các đội viên công tác tại địa phương.
Dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc bổ nhiệm vị trí công chức xã cho đội ngũ tri thức trẻ tình nguyện tại Điện Biên, song điều quan trọng là các tri thức trẻ vẫn quyết tâm ở lại địa phương, đem kiến thức, nhiệt huyết của mình giúp nhân dân trên địa bàn xóa đói, giảm nghèo./.
Người gửi thông điệp môi trường vào những cánh hoa