Sau khi xảy ra vụ tai nạn chìm tàu Thảo Vân 2 làm 3 du khách tử vong trên Sông Hàn hồi đầu tháng 6 vừa qua, thành phố Đà Nẵng quyết định đình chỉ việc cấp phép hoạt động đối với các tàu du lịch cải hoán từ tàu cá của ngư dân.

Quyết định này của thành phố Đà Nẵng có trái với quy định hiện hành hay không? Số phận những con tàu cải hoán phục vụ du lịch trên sông Hàn sẽ đi về đâu?

Tàu Thảo Vân 2: Con voi chui lọt lỗ kim

Hơn nửa tháng qua, ông Trần Văn Tạo, chủ tàu du lịch Mỹ Xuân cùng các nhân viên ăn ngủ không yên. Đang vào mùa du lịch cao điểm nhưng con tàu của gia đình ông phải neo bờ từ sau vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn.

Theo ông Tạo, khi thành phố Đà Nẵng có quyết định tạm dừng mọi hoạt động du lịch trên sông Hàn để rà soát, kiểm tra toàn bộ tàu thuyền cải hoán đang hoạt động du lịch, ông cùng nhiều chủ tàu nghiêm túc chấp hành. Các chủ tàu đã đầu tư hàng chục triệu đồng để sửa lại thân tàu, trang bị thêm áo phao, phao cứu sinh, lắp đặt camera giám sát, bộ đàm…

tau_ca_tpln.jpg
Đa số các tàu du lịch trên sông Hàn đều được cải hoán từ tàu cá

Thế nhưng, đến nay 14 tàu du lịch vẫn chưa được xuất bến dù trước đây những con tàu này đã qua đăng kiểm và cho phép hoạt động vận chuyển khách du lịch trên Sông Hàn.

Thành phố Đà Nẵng hiện có 25 tàu du lịch vận chuyển du khách trên sông Hàn. Trong đó, đa số các tàu này được cải hoán từ tàu đánh cá. Nhiều tàu có tuổi thọ hơn chục năm, thậm chí trên 20 năm. Không ít tàu có thân tàu cũ kỹ, chắp vá, lan can bị hoen rỉ… Khi cải hoán tàu cá để chở được nhiều khách, chủ tàu đã nâng chiều cao, tăng thêm tầng 2 khiến tàu bị mất cân bằng, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Theo một chủ tàu, nguyên nhân khiến tàu Thảo Vân 2 bị chìm là do con tàu chở quá số người quy định, tầng 2 của tàu cao vượt quy chuẩn thiết kế: “Trong nghề sông nước lâu năm, tôi nhìn thấy con tàu đó thiếu bảo đảm, nhưng vẫn hoạt động, bất chấp  pháp luật”.  

Quy trình đăng ký, đăng kiểm và cấp phép cho một con tàu được quy định chặt chẽ, nhưng không hiểu sao tàu Thảo Vân 2 lại qua mặt được cả lực lượng biên phòng, cảng vụ và ngang nhiên bán vé chở khách du lịch trên sông Hàn trong thời gian dài?

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

25 tàu du lịch hoạt động trên sông Hàn không phải là con số quá lớn, nằm ngoài khả năng kiểm soát của lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng: Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn chìm tàu Thảo Vân 2, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm, khẩn trương xem xét làm rõ trách nhiệm của các tập thể cá nhân có liên quan.

“Chỉ tàu đạt kỹ thuật mới được hoạt động. Trên tàu phải đồng bộ các biện pháp khác, từ thuyền trưởng, máy trưởng, người hướng dẫn viên đến những quy định an toàn phải được tập huấn. Đây là trường hợp hoạt động “chui” ngoài vòng kiểm soát. Thành phố sẽ điều tra về vụ việc này, tàu hoạt động “chui” bằng cách nào”.

Một con tàu cũ kỹ được phép hoạt động du lịch trên sông Hàn

Sau hơn 10 ngày tạm dừng hoạt động tàu du lịch trên sông Hàn để rà soát, kiểm tra toàn bộ tàu thuyền cải hoán đang hoạt động du lịch, ngày 14/6, thành phố Đà Nẵng đã cho phép 11 tàu đủ điều kiện khởi động lại dịch vụ đưa đón khách trên sông Hàn. Đối với những con tàu cải hoán đã được cấp phép trước đây nếu không đạt chuẩn, thành phố Đà Nẵng sẽ mạnh tay loại bỏ.

Tuy nhiên, liệu những con tàu bị loại khỏi danh sách có còn “chui qua lỗ kim” như trường hợp tàu Thảo Vân 2 hay không? Và việc quản lý những con tàu được phép hoạt động sẽ như thế nào?

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết: “Trong thời gian tới, TP Đà Nẵng sẽ chấm dứt tình trạng cải hoán tàu cá thành tàu du lịch, khuyến khích đóng mới tàu du lịch; công tác quản lý cũng sẽ được siết chặt hơn. Việc thành phố không cho phép cải hoán các loại tàu khác thành tàu du lịch là hoàn toàn hợp lý. Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào loại hình này. Để làm sao sản phẩm du lịch đường sông của thành phố thể hiện tính chuyên nghiệp, đẳng cấp và quan trọng nhất là đảm bảo yếu tố an toàn cho du khách khi tham qua du lịch trên sông Hàn”.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Chi Cục Đăng kiểm số 4, Cục Đăng Kiểm Việt Nam cho biết: Tàu Thảo Vân 2 được đóng tại thành phố Đà Nẵng vào năm 1995 và được đăng ký là tàu chở khách. Con tàu này hoạt động đến nay đã hơn 20 năm. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do Đăng kiểm cấp còn hiệu lực đến ngày 20/11/2016.

Theo quy định của luật Giao thông đường thủy nội địa, đồng thời với việc đăng ký, đăng kiểm, khi đưa phương tiện vào khai thác sử dụng, chủ tàu, thuyền trưởng và thuyền viên phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn giao thông đường thủy. Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, việc thành phố Đà Nẵng ngưng cấp phép cải hoán tàu cá thành tàu du lịch không trái với quy định, phù hợp với thực tế của địa phương.

Đối với các tàu du lịch cải hoán được cấp phép hoạt động trước đây, thành phố Đà Nẵng cũng đã kiểm tra rà soát lại thiết kế, số lượng chỗ ngồi, trang bị đủ số lượng phao, phương tiện cứu hộ...

Thành phố cũng đã tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên sông Hàn với quy mô lớn để bổ sung những phương án sát với thực tế, sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất trắc xảy ra.

Đại Tá Lê Tiến Hưng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Trên Sông Hàn, rất nhiều tình huống có thể xảy ra. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung thêm các kế hoạch, đặc biệt là phối hợp cùng với các lực lượng làm tốt công tác kiểm tra ngay từ bến bãi để đảm bảo an toàn cho khách”.

Tai nạn là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên những “lỗ hổng” trong công tác quản lý  nhìn từ vụ chìm tàu Thảo Vân 2 ở TP Đà Nẵng là cái giá phải trả quá đắt. Xin đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”./.