Ông Lê Công Đông, ở thôn Tân Lập, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, gia đình ông nuôi tôm gần 10 năm nay nhưng chưa khi nào thấy tôm chết nhiều như vậy. Vụ tôm này, ông Đông thả nuôi 5 vạn con tôm, trên diện tích hơn 5.000m2, khi tôm nuôi được 45 ngày thì thân tôm chuyển màu đỏ, đột ngột bỏ ăn, lờ đờ tấp vào bờ rồi chết.

Ông Đông buồn rầu, nếu tôm không bị bệnh chết, vụ này gia đình thu lãi khoảng 500 triệu đồng: “Khu vực này nhiều người nuôi tôm bị tôm chết, bị hồng thân, hay môi trường gì đó, tôm bơi trên mặt nước rồi vỡ gan xử lý không được. Bên môi trường của xã cho thuốc Chlorine về xử lý xong xả ra môi trường, cũng chưa dám nuôi lại. Đầu tư chủ yếu là nuôi tôm, vụ vừa rồi mất mấy trăm triệu, khó khăn lắm”.

Từ sau Tết đến nay, gần 20 ha tôm nuôi lót bạt ở xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có hiện tượng hồng thân rồi chết. Chính quyền địa phương yêu cầu hộ dân có tôm chết không được xả thải ra bên ngoài để tránh lây lan mầm bệnh.

Ông Lê Văn Hiệp, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, huyện đã cấp 4 tấn Chlorine cho các chủ hồ nuôi xử lý dịch bệnh.

“Chúng tôi đã phối hợp Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam lấy mẫu. Đang tiếp tục xin khoảng 2 tấn Chlorine từ Chi cục Thú y để hỗ trợ cho dân. Đối với người nuôi, đặc biệt giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3, thời tiết nhiều khi nhiệt độ xuống thấp phù hợp cho virus đốm trắng phát triển. Người dân nuôi tôm trong giai đoạn này cần kiểm tra chất lượng con giống, kiểm dịch đảm bảo, khi nuôi, chăm sóc thức ăn cũng như xử lý tiêu hóa trong môi trường mực nước đủ ấm, hạn chế lây lan bệnh đốm trắng”.

Thời tiết diễn biến thất thường tạo thuận lợi cho virus phát sinh, gây bệnh trên tôm nuôi. Mặt khác, người nuôi tôm lâu nay thường cấp nước trực tiếp vào hồ nuôi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh do nguồn nước ở các lưu vực sông nhiễm bẩn. Sau khi nhận thông tin tôm chết ở các địa phương, cán bộ thú y tỉnh Quảng Nam đã tiếp cận, lấy mẫu ở một số vùng nuôi tôm. Kết quả bước đầu cho thấy tôm chết do bị bệnh đốm trắng.

Bà Hoàng Thị Kim Yến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, để phòng tránh bệnh đốm trắng nói riêng và các loại bệnh khác trên tôm nuôi, người nuôi phải đầu tư hồ chứa lắng, xử lý sạch nguồn nước mới cấp vào hồ nuôi tôm; đồng thời, thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của con tôm để điều chỉnh lượng thức ăn, bổ sung các chất bổ cần thiết, giúp tôm lớn nhanh.

“Chi cục đã phối hợp Phòng Nông nghiệp, UBND xã hướng dẫn người dân xử lý bằng hóa chất Sodium Chloride đã cấp cho địa phương. Các ao nuôi phát hiện bị bệnh đã hướng dẫn xử lý kịp thời. Hướng dẫn người dân tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, tôm chết, cần báo cáo với chính quyền lấy mẫu kiểm tra xử lý kịp thời, tránh hiện tượng lây lan trên diện rộng, hạn chế thiệt hại cho người dân”, bà Hoàng Thị Kim Yến cho hay./.