Đợt hạn mặn lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khiến người dân Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang… phải chịu cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng. Để có nguồn nước ít nhiễm mặn, người dân mua với giá khá đắt, có nơi lên tới 100.000 đồng/m3.

Tại tỉnh Sóc Trăng, hạn hán và mặn xâm nhập làm  khoảng 29.000 hộ bị ảnh hưởng về vấn đề nước sạch, trong đó, có 15 khu vực đang trong tình trạng  thiếu nước sinh hoạt. Trước thực trạng này tỉnh Sóc Trăng  triển khai các giải pháp hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân với tinh thần không để người dân thiếu nước và chết khát.

h_n_man_gkpy_ktpj.jpg
Xâm nhập mặn, hạn hán khiến người dân ĐBSCL điêu đứng

Theo đó, đối với khu vực ô tô có thể tiếp cận, Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang triển khai các chuyến xe đưa nước sinh hoạt về cứu khát cho người dân. Riêng các điểm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, ô tô không tiếp cận được, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương huy động xà lan, các phương tiện thủy, thậm chí khẩn trương dẫn các đường ống tạm thời và làm các vòi công cộng để phục vụ người dân trong thời điểm hạn hán hoành hành như hiện nay. Bên cạnh đó là thường xuyên kiểm tra nguồn nước tại các khu vực cấp nước để không xảy ra tình trạng người dân sử dụng nước bị ô nhiễm.

Tại tỉnh Tiền Giang, để cứu khát cho vùng cù lao, vùng bãi ngang, ven biển, tỉnh tổ chức thi công khẩn cấp đường ống nước để  đấu nối với đường nước của Nhà máy nước BOO  Đồng Tâm chuyển nước từ thành phố Mỹ Tho về các khu vực trên; tỉnh Tiền Giang dùng sà lan chuyển nước về cung cấp cho người dân cù lao Tân Phú Đông; tổ chức khoan giếng tầng sâu lấy nước ngầm, đồng thời  đầu tư 68 tỉ đồng kéo đường ống nước ngầm vượt sông Cửa Tiểu qua cù lao để cứu khát cho 35 ngàn hộ dân nơi đây.

Ông Huỳnh Công Dũng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước Tiền Giang nói: “Hiện nay, chúng tôi thực hiện Dự án đưa nước ngọt qua huyện Tân Phú Đông bằng ống có đường kính 400mm đi vượt sông qua đảo Tân Phú Đông. Nước này cung cấp vào hệ thống đường ống đã có của công ty nước sạch nông thôn quan lý. Công suất khoảng 11.000 mét khối/ngày. Hiện nay, chúng tôi đang khởi công dự kiến tháng 6 đưa nước vào sử dụng”.

Trước tình hình hạn mặn đang diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Tiền Giang đã  có giải pháp khẩn trương khoan 50  giếng lấy nước ngầm; đồng thời đắp đập ngăn sông Sáu Hầu - Xoài Hột tại huyện Châu Thành để lấy nước ngọt từ kinh Nguyễn Tất Thành bơm nước cung ứng cho Nhà máy nước BOO Đồng Tâm để phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân đang khan hiếm.

Riêng tỉnh Bến Tre, từ tháng 1/2016 đến nay, độ mặn tại các cống lớn nội đồng đo được từ 2,5 đến 5 g/lít, còn những điểm lấy nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt có độ mặn từ 1,1 đến 1,6 g/lít.  Trước tình hình này  các ngành chức năng đã  dùng xe bồn chở nước từ thượng nguồn sông Tiền về cung cấp nước hàng ngày cho người dân sử dụng./.