Giữa năm 2015 đến nay, tức kể từ khi Lâm Đồng thực hiện chủ trương giao các công trình nước sinh hoạt nông thôn do Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường của tỉnh về cho các địa phương cơ sở quản lý thì tình trạng xuống cấp, hư hỏng, ngưng hoạt của các công trình này ngày càng tăng lên.

vov_nuoc_ihjs.jpg
Nhiều công trình nước sạch tại Lâm Đồng ngưng hoạt động. 

Nếu năm 2016, Lâm Đồng có 252 công trình nước sinh hoạt nông thôn thì 71 công trình đã không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, đến năm 2018 cả tỉnh còn 242 công trình thì đã có 108 công trình không hoạt động, hoạt động kém, chiếm tỷ lệ trên 44,5%.

Theo ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), toàn huyện có gần một nửa số công trình nước sinh hoạt đã không còn hoạt động, xuống cấp, hư hỏng mà nguyên nhân chính do yếu tố từ con người.

“Tại Đức Trọng thì hiện các công trình không hoạt động chiếm đến 48%. Do xã, các tổ tự quản quản lý vận hành không có chuyên môn nghiệp vụ qua đào tạo, nhiều lúc mở cầu dao điện rồi bỏ đi làm việc khác và quên luôn, dẫn đến tình trạng hư hỏng thiết bị, máy móc xảy ra. Về phương án khắc phục thì UBND huyện thống nhất là giao về cho Trung tâm quản lý khai thác công trình công cộng để có quản lý tập trung”, ông Hoàng cho biết.

Tính đến thời điểm này, Lâm Đồng có tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 88%. Ngoài thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt do nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, chất lượng nguồn nước tại các công trình cũng đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Qua lấy mẫu nước để phân tích tại 90 công trình thì có đến 39/90 mẫu không đạt chất lượng.

Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để đảm bảo nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh trong thời gian tới, ngoài khẩn trương đầu tư nâng cấp và tu sửa các công trình nước sinh hoạt, công tác quản lý, vận hành và khai thác cũng cần được khẩn trương thay đổi và sắp xếp lại sao cho phù hợp.

“Để nâng cao khả năng quản lý hiệu quả nước hinh hoạt nông thôn của Lâm Đồng, cần rà soát lại các công trình, nếu công trình nào có hiệu quả thì tiếp tục giao cho trung tâm quản lý, những công trình hoạt động trung bình thì thu hút đầu tư xã hội hóa, còn những công trình kém hiệu quả mà không còn có thể khắc phục được thì sẽ tiến hành thanh lý. Riêng những dự án, công trình nước tự chảy mà nếu do giảm thảm thực vật thì chúng tôi sẽ có kế hoạch tổ chức trồng rừng bổ sung ngay dự án tạo thảm thực vật, khả năng sinh thủy tốt để cho nước, nâng cao hiệu quả trong thời gian tới”, ông S nói./.