“Tuổi trẻ học tập vì ngày mai lập nghiệp” là nội dung cuộc thảo luận diễn ra trước phiên khai mạc chính thức Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X. Đây là diễn đàn để các đại biểu mang tiếng nói, tâm tư của đoàn viên thanh niên đến Đại hội lần này. Các đại biểu đều khẳng định, mỗi thanh niên cần không ngừng học tập, rèn luyện để trở thành những công dân có tài, có đức; thành cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”; người lao động có chuyên môn, tay nghề cao, kỹ năng thành thạo.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều bạn trẻ vẫn lúng túng trước ngưỡng cửa vào đời; vấn đề tạo tạo nghề và việc làm bền vững cho thanh niên nảy sinh nhiều bất cập; tình trạng sinh viên làm trái ngành nghề, thất nghiệp gia tăng… được đông đảo đại biểu quan tâm. PV online ghi lại một số ý kiến của các đại biểu:

 

tp-hcm.jpg
Đại biểu Phan Ngọc Anh

** Đại biểu Phan Ngọc Anh, Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh  tế TP HCM: Tư vấn nghề nghiệp như hiện nay là quá trễ!

Các bạn trẻ có bao giờ hỏi: “Học để làm gì?” khi đang ngồi trên ghế nhà trường? Bởi hiện nay theo thống kê có khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành đào tạo, nhiều sinh viên sau nhiều năm “dùi mài kinh sử” không kiếm được việc làm. Theo tôi, việc các trường đại học tổ chức tư vấn tuyển sinh hàng năm là rất thiết thực, tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tức thời chứ không phải lâu dài, và công tác tư vấn tuyển sinh như hiện nay được tiến hành quá trễ.

Hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều thanh niên chọn nghề sai, cho nên trong công việc đã không phát huy hết khả năng, không khơi dậy được niềm đam mê, không hết lòng với công việc và cả đời phải đi “sửa sai” cho sai lầm của mình.

Theo tôi, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là biện pháp sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả là rất quan trọng. Chúng ta nên hướng nghiệp cho các bạn trẻ từ khi học cấp 1, cấp 2, hoặc chí ít là những năm đầu cấp 3, để họ có thể định hướng nghề nghiệp cho mình theo năng lực và sở thích từ sớm. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn trường cần hỗ trợ tư vấn cho các bạn trẻ, để họ có thể phát triển tài năng tốt nhất về sau này.

** Đại biểu Nguyễn Hoàng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Thành đoàn, Bí thư Đoàn ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội: Cần đẩy mạnh mô hình liên kết nhà trường – doanh nghiệp

Đại biểu Nguyễn Hoàng Hà

Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp, do đó thanh niên hiện nay là lực lượng kế cận trong thời điểm 7 – 8 năm tiếp theo. Theo tôi Đảng, Nhà nước, các cấp Đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác định hướng cho thanh niên, để các bạn phấn đấu và khẳng định mình khi đất nước càng hội nhập sâu, rộng hơn với thế giới.

Trang bị kỹ năng mềm cho thanh niên, sinh viên hiện nay là rất quan trọng và phải tiến hành ngay từ bây giờ. Các cấp đoàn có thể tạo nhiều sân chơi lành mạnh cho học sinh, sinh viên, để các bạn trẻ được giao lưu, từ đó tìm ra những điểm yếu của bản thân để có hướng khắc phục, sửa chữa.

Đối với công tác hướng nghiệp cho thanh niên: Nhiều bạn trẻ hiện nay khi ra trường vẫn bỡ ngỡ với công việc, thậm chí phải đi học lại, đào tạo lại. Do đó, tôi đề xuất các trường đại học cần có các chương trình ký kết, thỏa thuận với doanh nghiệp, để trong quá trình học tập, sinh viên được tham quan, học việc…; phía doanh nghiệp trang bị kiến thức thực tiễn cho sinh viên, cũng như tạo điều kiện tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp. Điều này sẽ khiến sinh viên yên tâm học tập, nghiên cứu khoa học… trong khi doanh nghiệp luôn được sẵn sàng cung ứng nguồn nhân lực chất lượng.

Đây là mô hình trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đã và đang tiến hành có hiệu quả.

 

Đại biểu Nguyễn Xuân Tú

** Đại biểu Nguyễn Xuân Tú, Bí thư huyện Đoàn Đức Linh – Bình Thuận:  Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn chưa thực sự hiệu quả

Hiện nay, công tác đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên nông thôn hiệu quả không cao. Các chương trình dạy nghề dường như vẫn chú trọng tới chỉ tiêu hơn là xác định tiêu chí dạy nghề gì, dạy như thế nào, công việc thanh niên sẽ làm phù hợp ở địa phương ra sao? Chẳng hạn ở Đức Linh, nghề sửa chữa xe máy hoặc xây dựng không phù hợp với địa phương – nhưng thanh niên lại “được” học, trong khi họ cần kiến thức khoa học về cây công nghiệp để phát triển kinh tế tại chính quê hương mình.

Bên cạnh đó, việc vay vốn của thanh niên nông thôn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, khi các thủ tục bị “hành chính hóa”. Thanh niên được đào tạo nghề, có nghĩa đã được trang bị chiếc “cần câu”, song họ cũng cần trang bị thêm “chiếc lưỡi câu”, hay “sợi cước” chứ?./.