Thời gian qua có rất nhiều kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) được chuyển giao hiệu quả vào sản xuất. Các thành tựu của nông nghiệp Việt Nam đều có sự đóng góp của KHCN. Bằng chứng là khi nguồn lực về lao động, đất đai đều giảm đi nhưng tăng trưởng vẫn rất ổn định, đảm bảo cho xuất khẩu. Tuy nhiên, giữa nghiên cứu và thực tế sản xuất vẫn còn một khoảng cách khá xa, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các bên liên quan mới có thể thu hẹp được.

Nghiên cứu chưa gặp được sản xuất

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng, hiệu quả thực hiện các đề tài, dự án KHCN còn thấp vì nhiều đề tài, dự án sau nghiệm thu đã không triển khai được vào sản xuất. Lý do của tồn tại này xuất phát từ khâu giao nhiệm vụ, sản phẩm của đề tài, dự án không từ yêu cầu của sản xuất, thị trường. Thời gian qua, việc đặt hàng từ cơ quan quản lý Nhà nước, từ doanh nghiệp chiếm tỷ lệ thấp, phần lớn dựa vào đề xuất của các tổ chức KHCN. Chất lượng nghiên cứu thấp, giá trị sản phẩm thấp nên không được sản xuất, thị trường không chấp nhận hoặc không bền vững.

Sở dĩ, còn những tồn tại này, theo ông Nguyễn Văn Bộ - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam là vì, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam qui mô còn rất nhỏ. Với qui mô nhỏ như vậy thì người nông dân cũng không hăng hái trong việc tiếp nhận tiến bộ KHKT bởi họ phải thay đổi tập quán sản xuất. Mà trong một qui mô nhỏ như vậy thì hiệu quả cũng không nhiều.

Bên cạnh đó, tập quán của người dân Việt Nam là thích theo mô hình, người trước phải làm tốt rồi thì người sau mới làm. Như vậy thì việc triển khai với một qui mô rất nhỏ, đặc điểm nông nghiệp rất phân tán nên phải có quá nhiều mô hình thì nông dân mới có thể học được.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Văn Bộ khẳng định: “Để bảo đảm an toàn cho mình thì người nông dân vẫn sử dụng những kỹ thuật cũ. Chính vì vậy, muốn đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất trước tiên cần phải tích tụ ruộng đất, làm cho qui mô sản xuất lớn hơn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa” – ông Nguyễn Văn Bộ nói.

Một vấn đề nữa được ông Nguyễn Văn Bộ nhấn mạnh khi trao đổi với VOVNews là bản quyền trong nông nghiệp. Ông Bộ đưa ra dẫn chứng: Hiện nay, 90% giống lúa ở ĐBSCL là của Viện lúa ĐBSCL, nhưng Viện lúa không thu được một đồng nào cả. “Chỉ duy nhất có giống lai là thu được bản quyền vì các đơn vị nghiên cứu giữ được giống bố mẹ. Còn tất cả các giống thụ phấn tự do, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các qui trình nông dân áp dụng đều là sản phẩm công ích, dịch vụ công ích mà nhà nước đã trả tiền và nông dân sử dụng. Nhưng điều này không tạo động lực cho nhà khoa học tiếp tục đào sâu, nghiên cứu nữa. Người ta trả bài xong là xong. Nếu sản phẩm đó có bản quyền thì người ta sẽ theo sản phẩm đó mãi và nhân rộng ra để thu được nhiều bản quyền hơn. Qua đó, sản xuất thu được lợi và tổng thể xã hội thu được lợi"- ông Bộ cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay giữa nhà khoa học và người nông dân đã rất gần nhau thông qua chính sách liên kết “4 nhà” và đã tạo ra được mối liên kết hữu cơ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bộ, lợi ích của các nhà phải được chia sẻ. “Hiện nay, lợi ích đó đang được mua đứt, bán đoạn thành thử không tạo thành liên kết. Doanh nghiệp chỉ quan tâm mua các sản phẩm khi có thị trường còn người ta không quan tâm đến việc đặt hàng nông dân những sản phẩm mà họ cần mua. Khi người ta đặt hàng đúng những sản phẩm thị trường yêu cầu, cho nông dân là một bộ phận cấu thành của người ta thì nhà khoa học mới có vai trò để giúp nông dân sản xuất những sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu thị trường” – ông Nguyễn Văn Bộ nói.

Theo ông Bộ, Nhà nước cần phát huy sức mạnh về vốn của doanh nghiệp. Để sản xuất phát triển phải có 3 yếu tố quan trọng là vốn, thị trường, khoa học. Nhà nước không thể bỏ vốn được mà phải thông qua doanh nghiệp. DN thay mặt nông dân xác định thị trường, thị trường có yêu cầu gì, sản phẩm yêu cầu chất lượng ra sao, qui mô, số lượng, thời điểm như thế nào thì đặt hàng trở lại với nông dân sản xuất loại sản phẩm đó. Với các yêu cầu đầu tư, kỹ thuật cụ thể thì doanh nghiệp và nhà khoa học tham gia vào.

Nghiên cứu theo đơn đặt hàng?

Trước thực trạng nghiên cứu và sản xuất “mạnh ai nấy làm” dẫn đến hiệu quả của cả hai lĩnh vực đều rất hạn chế như hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng các cơ chế phát triển khoa học công nghệ cần chú tâm hơn vào đối tượng là người nông dân và doanh nghiệp chứ không đơn thuần chỉ chú trọng vào việc rà soát và điều chỉnh cơ chế trong các cơ quan nhà nước. Sự liên kết giữa “2 nhà” là nhà nông và nhà doanh nghiệp mang yếu tố tiên quyết. Mối quan hệ này được nhuần nhuyễn thì bản thân Nhà nước cũng sẽ có những cơ chế để phục vụ được hiệu quả, từ đó các nhà khoa học cũng sẽ có cơ hội để phát huy các đề tài, công trình khoa học làm tăng giá trị nông nghiệp ngay từ khâu sản xuất.

Còn ông Nguyễn Văn Bộ thì khẳng định phải thay đổi cơ bản về cơ chế xác định nhiệm vụ; phải xuất phát từ nhu cầu sản xuất thay vì mong muốn của nhà khoa học. Có thể ý tưởng của các nhà khoa học rất tốt nhưng nhiều khi chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất hoặc điều kiện để áp dụng kết quả đó chưa thực sự đáp ứng nên phải đổi lại là đề xuất đó phải từ thực tiễn sản xuất (từ cơ quan quản lý của cấp Bộ, các địa phương) sau đó sàng lọc để lựa chọn.

Một điểm rất quan trọng nữa là ưu tiên trong xác định nhiệm vụ cần được căn cứ vào các ưu tiên của phát triển kinh tế của ngành như lúa, gạo, chè, cà phê, điều, hồ tiêu, trong thủy sản, lâm nghiệp hoặc là những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, có ý nghĩa về mặt kinh tế- xã hội, đáp ứng an sinh xã hội trong nước. “Khi đó, các sản phẩm KHCN mới có địa chỉ áp dụng” – ông Nguyễn Văn Bộ khẳng định.

Thực tế hiện nay, những đơn đặt hàng của nông dân đối với các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu khoa học chưa có nhiều. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Bộ, hệ thống khuyến nông cơ sở phải tổng hợp ý kiến của người nông dân để mang tính đại diện cao hơn thay vì những ý kiến nhỏ lẻ, đề xuất thành những nhiệm vụ để Nhà nước có thể bố trí nhiệm vụ nghiên cứu. Đồng thời, các nhà khoa học khi làm việc với địa phương cũng phải phát triển các ý tưởng trên cơ sở những thực tiễn mà mình đúc rút được trong quá trình mình nghiên cứu, chuyển giao.

Một thực tế nữa là hiện nay nhiều nhà khoa học có tài đã bị các công ty tư nhân, công ty nước ngoài “hút” về làm việc. Chính vì vậy, để giữ chân họ ở lại với cơ quan nghiên cứu của Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bộ cho rằng, cần phải tạo cho họ một môi trường làm việc thực sự thỏa đáng, đối xử với họ căn cứ vào đóng góp, năng lực chứ không phải thâm niên công tác hay quá trình khác. “Điều này sẽ quyết định việc sử dụng đúng người giỏi và mới thu hút được người giỏi bên ngoài vào. Đồng thời, phải thực hiện tốt các qui định về bản quyền bằng cách Nhà nước phải đặt hàng, giúp nông dân sử dụng sản phẩm đó thông qua kim ngạch xuất khẩu của những ngành hàng chủ lực hoặc qua các kênh khác nhau để thu tiền bản quyền đầu tư trở lại cho công tác nghiên cứu” – ông Nguyễn Văn Bộ đưa ra ý kiến của mình.

Điều khiến các nhà khoa học trong lĩnh vực này còn băn khoăn đó là: Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản thế nhưng Việt Nam lại chưa là nước mạnh về nông nghiệp. Đây cũng chính là bài toán mà những người làm nông nghiệp nói chung và các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực này cần phải giải quyết trong giai đoạn từ nay đến 2020./.