Tháng 10/2015, khi có những thông tin trên báo chí về việc Salbutamol đã được nhập khẩu vào Việt Nam quá nhiều so với nhu cầu sản xuất thuốc chữa bệnh cho người, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã trả lời trên VTV rằng: "Theo tôi, khái niệm nhiều hay ít ở đây rất vô cùng vì Salbutamol là chất không thể thiếu trong việc điều trị cho người. Nên quan điểm cho rằng 100 tấn mà chưa đủ nhu cầu điều trị cho người vẫn ít. Còn 1 tấn nhưng thừa nhu cầu sẽ là thừa". 

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông Cục trưởng khẳng định: "từ đầu năm nay, ngành Dược Việt Nam mới nhập khẩu 3,5 tấn".

Trước thông tin này, trên trang cá nhân của  mình, nhà báo Trần Đăng Tuấn (Tổng Giám đốc Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) thuộc An Viên Group) cho rằng, câu chuyện "nhiều hay ít” trở nên cực kỳ mỉa mai, khi vào tháng 3/2016 này, Bộ Công an sau khi điều tra đã công bố có 9.140 kg chất Salbutamol đã được nhập khẩu, chủ yếu là chính ngạch và đã bán ra ngoài 6.000 kg. Trong số 6 tấn bán ra này, chỉ có 10kg được dùng chế thuốc cho người. Một chuyên gia cho biết, với tỷ lệ người hen suyễn ở Việt Nam, mỗi năm 10kg là đủ để làm biệt dược.

chat_cam_1_vkgp.jpg
Lực lượng chức năng phát hiện chất cấm salbutamol trong thức ăn chăn nuôi tại Công ty Trường Phú (tỉnh Hải Dương). Ảnh: Người Lao động

“Nếu khẳng định của Công an không sai và nếu chuyên gia không sai, ta buộc phải tin là một Cục trưởng của Bộ Y tế không biết nhập bao nhiêu mỗi năm Salbutamol là đủ để làm thuốc chữa bệnh cho người. Tôi nghĩ đã đến lúc ngài Cục trưởng An toàn thực phẩm lên VTV một lần nữa để triết lý về sự vi diệu nhiều nhiều ít ít của hai con số 9.140 kg và 10 kg. Nhân danh nhập hàng để chữa bệnh cứu người rồi dùng gây bệnh tật cho người, cũng là một thứ "vi diệu". Phải có những người lãnh trách nhiệm về sự ác độc này. Cả kẻ hám lợi, cả người tắc trách” – ông Trần Đăng Tuấn bày tỏ.

Ông Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói gì?

Nhà báo Trần Đăng Tuấn cho biết, sau đó ông Nguyễn Thanh Phong có liên lạc với ông Tuấn. Sau đó, ông Tuấn đăng công khai phản hồi của ông Nguyễn Thanh Phong và hy vọng ông Phong cũng sẽ trực tiếp tham gia đối thoại.

Nội dung phản hồi như sau: "... Với trách nhiệm là người quản lý lĩnh vực liên quan đến vấn đề này, xin được trao đổi thêm để anh và độc giả được rõ hơn. Hiện tại Luật ATTP giao việc quản lý chất lượng nông lâm sản (rau, củ, quả, thịt gia súc gia cầm...) là trách nhiệm của ngành Nông nghiệp, quản lý Salbutamol là trách nhiệm của ngành Dược. Tại cuộc họp về đánh giá chất lượng nông lâm sản, ngoài việc đề cập tỷ lệ tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật còn cao, thì có đề cập cả việc lạm dụng sử dụng Salbutamol cho vào thức ăn chăn nuôi, đồng thời có ý kiến nói ngành Dược cho nhập 68 tấn Salbutamol là quá nhiều, từ đó họ lợi dụng tuồn vào thức ăn gia súc.

Mặc dù không phải là cơ quan quản lý việc nhập khẩu Salbutamol, nhưng chúng tôi đã liên hệ với Cục quản lý Dược để thông báo thông tin nêu trên và đề nghị nếu thông tin là đúng thì phải có biện pháp quản ký. Ngay sau đó, Cục quản lý Dược có công văn nói rõ, chỉ mới cấp phép cho nhập 3,5 tấn, và đây là hóa chất dùng để điều trị bệnh cho người không thể thiếu, đồng thời cũng đã quy định cấm sử dụng sai mục đích. Như vậy thông tin nhập 68 tấn là chưa chính xác.

Sau đó VTV có phỏng vấn tôi về vấn đề này. Với góc độ quản lý, tôi đã trả lời như anh đã nói ở trên và đến bây giờ quan điểm của tôi vẫn là như vậy (nhu cầu chữa bệnh 100 tấn mà anh chỉ cho nhập 90 tấn, đến khi người bệnh cần mà không có thì anh chết; ngược lại nhu cầu chỉ cần 1 tấn nhưng anh lại cho nhập 2 tấn, để tuồn ra ngoài anh cũng chết).

Rất tiếc nhu cầu Salbutamol để chữa bệnh là bao nhiêu, vừa qua nhập về bao nhiêu, sử dụng có đúng quy định không... Cục ATTP không được giao quản lý lĩnh vực này! Những ngày gần đây, có thông tin là nhu cầu chữa bệnh cho người đối với Salbutamol chỉ 10kg/năm, người lại nói là 3 tấn... Rất tiếc đó là thông tin phỏng đoán, cơ quan phải lên tiếng về nhu cầu sử dụng, quản lý nhập khẩu và kinh doanh Salbutamol là Cục quản lý Dược cần phải thông tin ngay (chúng tôi đã đề nghị)!

Tuy nhiên, câu chuyện Salbutamol cũng gần giống với việc lạm dụng hàn the vào giò, chả. Chúng ta cấm cho hàn the vào giò chả thì việc đầu tiên là phải thanh tra cơ sở sản xuất giò chả, nếu cho hàn the vào thì xử lý nghiêm và công khai cơ sở vi phạm, chứ rất khó để kiến nghị không được nhập khẩu và kinh doanh hàn the, vì hàn the còn phải dùng trong nhiều ngành công nghiệp khác.

Tương tự như vậy, vấn đề Salbutamol, việc đầu tiên ngành Nông nghiệp cần làm là thanh tra và xử lý nghiêm cơ sở chăn nuôi nào, công ty chế biến thức ăn gia súc nào cho Salbutamol vào thức ăn chăn nuôi (kể cả biện pháp hình sự) sau đó mới kiến nghị ngành Dược kiểm tra giám sát nhập khẩu chất cấm này. Vấn đề nữa rất quan trọng đó là cửa khẩu nếu quản lý không chặt thì dù ngành Dược có quản lý chặt đi nữa thì cũng rất dễ bị nhập lậu!

Chúng tôi cũng được biết Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt vấn đề ATTP, mong muốn của người dân về thực phẩm an toàn là rất chính đáng, các cơ quan đã có nhiều cố gắng, không đùn đẩy trách nhiệm tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Thông tin trao đổi với anh hoàn toàn không có ý bao biện, lẩn tránh trách nhiệm. Cá nhân tôi với trách nhiệm phạm vi pháp luật được giao cũng chỉ biết cố gắng trong điều kiện có thể mà pháp luật cho phép, rất mong nhận được sự góp ý, đóng góp của anh và độc giả để thực phẩm của chúng ta ngày càng an toàn hơn”.

Trên trang cá nhân, ông Trần Đăng Tuấn rất bức xúc về vấn đề này

Phản hồi của nhà báo Trần Đăng Tuấn

Sau khi nhận được ý kiến của ông Nguyễn Thanh Phong, nhà báo Trần Đăng Tuấn cho biết việc ông Phong đối thoại trực tiếp là rất đáng ghi nhận và hoan nghênh. Về những nội dung trao đổi, ông Trần Đăng Tuấn có góp ý nêu rõ:

“Trước hết, Bộ NN và PTNT phát hiện nhiều cơ sở nuôi lợn sử dụng Salbutamol để tạo nạc. Chất này tại Việt Nam cấm sử dụng trong chăn nuôi từ năm 2002. Bộ NN và PTNT cho rằng có thể lượng Salbutamol dùng tạo nạc có nguồn gốc do lượng chất này nhập khẩu vào quá nhiều qua con đường phục vụ làm thuốc cho người, nhưng được tuồn ra để nuôi lợn. Một số dư luận cho rằng có tới 68 tấn chất này được nhập vào Việt Nam.

Về trách nhiệm: Theo quy định pháp luật (tôi hiểu trước hết Luật An toàn thực phẩm 2010) thì đảm bảo an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nông lâm sản (rau, củ, quả, thịt gia súc gia cầm...) là trách nhiệm của ngành Nông nghiệp, quản lý Salbutamol là trách nhiệm của ngành Dược. Bộ Y tế (ở đây chỉ nói trong lĩnh vực ATTP) chịu trách nhiệm an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm khác. Như vậy chuyện thịt lợn độc như ông nói Cục ATTP không được phân công quản lý. Bên Dược mới biết nhu cầu làm thuốc chữa bệnh cần bao nhiêu và đã nhập bao nhiêu.

Về xử lý: Có dấu hiệu thịt lợn độc hại thì ngành Nông nghiệp phải chịu trách nhiệm tìm ra và xử lý. Sau đó mới kiến nghị ngành Dược quản lý chất gây độc được nhập vào. Còn Cục ATTP đã báo cho bên Dược và thông tin lại là chỉ nhập 3,5 tấn Salbutamol thôi. Cục không thể làm hơn được do pháp luật đã quy định trách nhiệm”.

Ông Trần Đăng Tuấn góp ý: Luật quy định rằng ngành Nông nghiệp chịu trách nhiệm về an toàn cho các sản phẩm nông lâm thuỷ sản; ngành Y tế (mà Cục ATTP là đơn vị giúp Bộ Y tế thực hiện) chịu trách nhiệm về an toàn cho phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng....

Nhưng chỉ nhấn mạnh điều này để nói rằng trong chuyện thịt lợn nhiễm Salbutamol không nằm trong trách nhiệm và quyền xử lý của Bộ Y tế (Cục ATTP) là không đúng. Bởi khác với các Bộ, ngành khác, trong vấn đề ATTP, Luật quy định rằng Bộ Y tế có chức năng kép: Có trách nhiệm quản lý ngành như nêu ở trên, nhưng còn có trách nhiệm được Chính phủ uỷ nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện trách nhiệm chung về quản lý nhà đối với an toàn thực phẩm.

Với chức năng thực hiện nhiệm vụ chung (phân biệt với trách nhiệm ngành) của Quản lý nhà nước, Bộ Y tế (mà cơ quan giúp thực hiện là Cục ATTP ) có thể làm những việc như thế này nữa (trích từ luật): Yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm; quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cảnh báo sự cố ngộ độc thực phẩm; thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với toàn bộ quá trình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của các bộ khác khi cần thiết.

Trở lại vấn đề Salbutamol, theo ông Trần Đăng Tuấn, theo luật, Bộ Y tế có quyền thanh kiểm tra việc này. Với trách nhiệm và quyền năng của quản lý nhà nước được trao, Bộ Y tế nói chung, Cục ATTP nói riêng, có vô vàn biện pháp và khả năng được quy định để tự truy tìm, hoặc thúc đẩy truy tìm "thủ phạm" ở mọi lĩnh vực, kể cả thuộc lĩnh vực phân công chuyên ngành lẫn lĩnh vực phân công cho ngành khác.

“Tôi trách ông(ông Phong – PV) thiếu sự "sốt ruột" chính là vì thế. Công bằng mà nói, trong vụ việc cụ thể này, cảm giác của tôi là bên Nông nghiệp sốt ruột hơn. Họ đã phát hiện trộm có thể chui qua hàng rào ở phần đất Bộ Y tế và họ đề nghị kiểm tra hàng rào bên đó, vì họ, khác với Bộ Y tế, không thể bước sang đó kiểm tra. Và về phía ông, thể hiện qua trả lời phỏng vấn, chủ yếu chỉ hướng đến bác bỏ con số 68 tấn, chứ chưa thể hiện vai trò của nơi được Chính phủ uỷ nhiệm là "Tư lệnh liên quân" có thượng phương bảo kiếm trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, vì sinh mạng và sức khỏe của nhiều chục triệu con người. Chưa nói đến chuyện Cục Dược là cùng Bộ, chuyện phối hợp để có thông tin không khó.

Cũng góp ý thêm với ông, là với nhiều triệu khán giả truyền hình, phát biểu của ông khi đó được hiểu là của Bộ. Vì ông là Cục trưởng Cục giúp Bộ thực hiện công tác này. Bộ lại là đơn vị được Chính phủ uỷ nhiệm thay mặt Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước trong ATTP. Người ta có quyền kỳ vọng nhiều hơn vào ý kiến đó trước một sự việc ẩn giấu các hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe người dân” – ông Trần Đăng Tuấn thẳng thắn. 

Nhà báo Trần Đăng Tuấn bày tỏ, người dân mong và đòi hỏi sự quyết liệt và chủ động của mọi đơn vị, trong đó nếu họ đặt nhiều đòi hỏi vào Cục ATTP thì không hề sai địa chỉ. Ngược lại, nó là hậu thuẫn mạnh mẽ để Cục ATTP làm được nhiều hơn. Người dân, khi nghe phát biểu của ông Cục trưởng, chưa thấy sự quyết liệt vào cuộc đó.

Ông Nguyễn Thanh Phong: “Sẽ cố gắng!”

Tiếp thu ý kiến đóng góp của ông Trần Đăng Tuấn, ông Nguyễn Thanh Phong trả lời: “Rất cảm ơn nhà báo Trần Đăng Tuấn, cảm ơn tất cả độc giả. Cá nhân tôi hoàn toàn không có ý bao biện, thoái thác trách nhiệm. Với những góp ý của độc giả và anh Tuấn, tôi hiểu và chấp nhận công việc gian nan này. Qua đối thoại thấy có việc mình đã làm được, nhiều việc chưa làm được. Nguyên nhân do bản thân cũng có, do cơ chế, luật pháp cũng có nhưng tựu trung lại cái nào do bản thân mình thì sẽ cố gắng hơn, cái nào do cơ chế chính sách thì phải kiến nghị, đề xuất!

Gia đình tôi, gia đình anh Tuấn và tất cả chúng ta đều mong muốn được sử dụng thực phẩm an toàn, chúng ta đang đối thoại ở đây cũng không ngoài mục đích ấy. Một lần nữa cảm ơn ý kiến của nhà báo và tất cả mọi người, hy vọng tiếp tục nhận được sự góp ý của anh và độc giả trên con đường phía trước!”./.