Đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhà báo Đào Văn Cổn với bút danh Đào Nguyễn đã hoàn thành cuốn sách: "Đường đến Dinh Độc Lập", nói về cuộc đời của 4 người lính xe tăng 390, chiếc xe tăng húc đổ cửa Dinh Độc Lập lúc 10h45 phút trưa ngày 30/4/1975. Đọc những tác phẩm của anh, tôi càng thấy rõ hơn một tâm hồn nhân hậu ẩn sau một vị Trưởng ban, Giám đốc Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) của Đài Tiếng nói Việt nam, nổi tiếng "nóng như lửa"...
Từ phóng viên Ban miền Nam…
Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cuối năm 1971 thì ngày 1/1/ 1972, Đào Nguyễn cùng 8 người cùng khóa được phân công về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Một năm sau, anh được chuyển về Ban miền Nam với nhiệm vụ viết bài cho chương trình phát thanh “Thành thị miền Nam”.
Anh nói rằng không quên được những ngày đó, những ngày mà phóng viên và bình luận viên ở Ban miền Nam không bao giờ được đi công tác, ngoại trừ những dịp hiếm hoi được gặp những nhân chứng sống, những thương binh, những cán bộ ở các chiến trường miền Nam ra miền Bắc điều trị. Các anh chỉ ngồi tại cơ quan nghiên cứu những tư liệuvà đọc các báo, tạp chí xuất bản ở miền Nam, được gửi qua nước láng giềng về Hà Nội.
Từ những tin ảnh và các bài trên báo, các anh chắt lọc thông tin, kết hợp với chỉ đạo tuyên truyền hàng ngày để ngẫm nghĩ, suy tưởng tìm ra vấn đề để viết.Với cách làm việc như vậy, nếu không có tư duy logic, không có óc suy luận thì không thể nào “đẻ” ra được những bài bình luận để hàng đêm, vào lúc 23h qua làn sóng Đài TNVN, lại “rót” vào tai người dân đô thị, các công chức trong chính quyền và các binh sĩ quân độichính quyền Sài Gòn giúp họ hiểu được bản chất của chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam.
Đào Nguyễn nhớ lại: "Mình đọc được một tin và ảnh miêu tả cảnh những cô gái điếm được đưa về một căn cứ quân sự Mỹ ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Họ chỉ có 2 mảnh vải che thân, đeo số trước ngực, đi đi lại lại trongcăn phòng để lính Mỹ chọn và đưa đi “dùng”, mình thực sự bị "sốc". Mình đã chấp bút viết bài bình luận với tiêu đề: "Thêm một tiếng gọi đấu tranh" nói về phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam bị chà đạp và là món hàng mua vui cho lính Mỹ. Đó là bài bình luận đầu tiên của mình được phát trên Đài TNVN, một kỷ niệm khó quên”.
…đến Giám đốc Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp VOV1
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đào Nguyễn được chuyển về phòng Văn-Xã chuyên theo dõi mảng "giáo dục". Ở môi trường mới này, được mặc sức thâm nhập thực tế, anh lại tiếp tục viết. Đó là phóng sự về Lê Bá Khánh Trình, cậu học sinh người Huế được giải Nhất trong cuộc thi Toán quốc tế ở Anh năm 1979, rồi cuộc "trò chuyện" với ông Cự Doanh, một nhà tư sản, giám đốc nhà máy dệt ở Hà Nội về công việc củaông khi truyền nghề dệt cho thế hệ trẻ. Qua đó toát ra sự thật về tự do và nhân quyền ở Việt Nam sau khi đất nước được giải phóng trước sự xuyên tạc của nước ngoài.
Cái tên Đào Nguyễn được nhắc tới ngày càng nhiều trên làn sóng Đài TNVN. Một kỷ niệm vui mà anh không bao giờ quên: Có lần, sau khi giao ban về, ông Phạm Mai Luân (lúc đó là Trưởng ban Đối nội) đã vỗ vai anh và nói: “Này, ông Trần Lâm (Tổng Biên tập Đài TNVN) bảo với “tớ”: “Phỏng vấn ông Cự Doanh hay quá khiến mình vào...toillet cũng phải mang cái radio nhỏ vào để nghe tiếp!”Năm đó, tác phẩm này của Đào Nguyễn đã đoạt giải Nhất về thể loại phỏng vấn trong cuộc thi do Đài TNVN tổ chức.
Chuyện "nhấc" Đào Nguyễn từ phòng Văn-Xã về phòng Thời sự quốc tế để viết bình luậnquốc tế cũng có lý do vì thời gian đó đang là cuộc chiến tranh giữa 2 hệ tư tưởng: Xã hội chủ nghĩa vàTư bản chủ nghĩa. Đào Nguyễn lúc này đã trở thành một trong những con dao "pha" của Đài TNVN. Đâu có "vấn đề" là ở đó có Đào Nguyễn với các phóng sự nóng hổi về chiến tranh biên giới phía Nam rồi chiến tranh biên giới phía Bắc.
Quan điểm của Đào Nguyễn rất rõ ràng: Những phóng sự hay nhất là bài không nói đến từ "Đảng" nhưng qua chi tiết lại toát lên hình ảnh của Đảng. Đào Nguyễn gắn bó với Đài TNVN suốt 39 năm cho tới ngày nghỉ hưu. Anh đã kinh qua nhiều công việc từ phóng viên, trưởng phòng, phó ban rồi Trưởng Ban Thời sự và Giám đốc Hệ Thời sự- Chính trị- Tổng hợp (VOV1) của Đài quốc gia.
Một con người dí dỏm và “nóng như lửa”
Đào Nguyễn là một cây bút với những tác phẩm mang đậm nét nhân văn. Bạn nghe Đài biết tới anh với bút danh Đào Nguyễn qua những phóng sự, những bài bình luận, những truyện ngắn phát trên Đài và đăng trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Thế nhưng, cũng vì bạn nghe Đài "nhớ" tên Đào Nguyễn quá nên có lần anh gặp chuyện không vui. Đó là chuyện công nhân nhà máy thực phẩm đông lạnh ở thị xã Sơn tây (tỉnh Hà Tây trước đây) làm đơn tập thể kiện lên Hội nhà báo, Đài TNVN về việc "nhà báo Đào Nguyễn trong chuyến đến làm việc tại nhà máy đã lợi dụng danh hiệu nhà báo để nhũng nhiễu...".
Có người thì khẳng định: "Đào Nguyễn không phải là người như vậy"; có người thì nghi ngờ, bán tin bán nghi. Còn Đào Nguyễn im lặng, không thanh minh, vẫn ...đốt thuốc lávà viết bình luận. Rồi nỗi oan "Thị Kính" của anh cũng được giải tỏa sau một cuộc điều tra. Được minh oan rồi anh cũng…vẫn im lặng. Thế nhưng bạn bè, những người đã biết và hiểu anh thì lại thấy ẩn sau sự kín đáo, "kiệm lời"là sự "dí dỏm" của một "kẻ sĩ Bắc Hà".
- Trông ông Cổn "lù khù" như vậy mà khôn ra phết...có cả cổ phần trong trạm thu phí cơ đấy.
- Nghe ông Cổn nói thì đổ thóc giống ra mà ăn. Ông ấy làm gì có.
- Vậy tại sao ông ấy lại khoe như vậy, ông ấy không sợ à.
-Ông ấy không có gì nên ông ấy mới không sợ.
Hỏi Đào Nguyễn: "Tại sao hay "phịa" chuyện thế?”. Anh cười và nói: Ngày xưa khổ quá nên cứ bịa chuyện cho vui thôi. Đơn giản chỉ là vậy. Bạn đồng nghiệp thì biết hoàn cảnh của anh từ năm 1972 đến năm 2004: sống một mình tại căn phòng rộng 10m2, một nửa của một căn hộ nằm tận trên cùng của chung cư 5 tầng ở khu tập thể 128C Đại La.
Chuyện này khiến Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, khi xét duyệt danh sách bán nhà với "giá gốc" cho cán bộ, phóng viên Đài TNVN phải kêu lên: "Trưởng Ban Thời sự mà phải sống trong điều kiện như vậy ư ?”. Và đến năm 2004, “ông Trưởng Ban Thời sự” mới mua được căn hộ hơn 93m2 tại chung cư Mỹ Đình.
Khi chuyển nhà, đống đồ đạc không đủ chất đầy trên chiếc xe Land Cruise”. Anh tâm sự: “Lần đầu tiên ngồi trên xe buýt từ Mỹ Đình đến cơ quan làm việc, mình im lặng để tận hưởng sự "lâng lâng" như trong mơ vì được ở trong căn hộ mới này đúng nghĩa là cuộc sống của một con người”... Đào Nguyễn là như vậy, không bao giờ "kêu khổ”, không tranh giành quyền lợi, luôn “giành khó khăn về mình- nhường thuận lợi cho bạn”.Và nhất là không bao giờ lợi dụng ví trí làm việc của mình ở nhiều hoàn cảnh khác nhau để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Có bạn đồng nghiệp đặt cho anh tên"húy" là "người Rừng". Mỗi người một cách suy đoán về cái tên này nhưng có lẽ nhiềungười nghiêng về ý nghĩ: ông Trưởng ban có nước da đen đen, có cách sống hơi khác người, ít để ý tới hình thức, không bao giờ tự "đánh bóng" mình. Chả vậy mà 5 năm mặc một cái áo "Nato" mà anh không biết cái áo đó có mũ gập ở giữa 2 lớp vải trong cổ áo để rồi những ngày rét tới 10độ C vẫn phải ...loay hoay tìm mũ để đội".
Đào Nguyễn là một nhà báo với bản tính không thích ồn ào, không tranh giành với ai, anh sống vì công việc. Nhưng “người Rừng”cũng có nhiều lúc “nóng như lửa”. Cấp dưới đã không ít người "nóng mặt" vì bị ông Trưởng ban "mắng xối xả" nhưng rồi họ lại cười và bỏ qua hết bởi vì họ hiểu "ông Trưởng ban" nóng thì nóng thế thôi chứ không bao giờ "để bụng" và luôn chia sẻ với cấp dưới khi họ gặp khó khăn, động viên, khuyến khích nhân viên của mình trong công việc.
Đào Nguyễn tâm sự: "Cái khó của một người lãnh đạo ở cơ quan báo chí nhất là ở Ban Thời sự với nhịp độ làm việc luôn căng thẳng, hối hả là làm thế nào để phát huy thế mạnh của một con người". Và anh đã làm được điều này. Nhiều phóng viên đã trưởng thành và thành công trong công việc dưới sự dìu dắt của anh và thấy tự tin khi được làm việc với anh. Dù rất bận nhưng anh vẫn dành thời gian để cùng phóng viên rong ruổi trên các con đường để “thêm một tay” giúp phóng viên có những phóng sự điều tra "nổi đình đám".
Anh còn tham gia giảng dạy ởHọc viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Báo chí của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), tham gia chấm luận văn của sinh viên khoa Báo chí. Anh ít nói nhưng lại thích trao đổi với sinh viên. Anh nói rằng lớp trẻ rất thông minh,có những suy nghĩ táo bạo...Nhiều sinh viên sau này về các cơ quan báo chí, gặp lại anh đều nói: "Em chào thầy".
Về hưu lại viết “hăng” hơn...
Những người quen biết anh thấy khi về hưu rồi anh viết "hăng" hơn. Còn anh thì nói: tự nhiên thấy “khoái” viết.Ban ngày thì làm việc với kênh VTC16, buổi tối và ngày nghỉ anh tranh thủ viết. Những tác phẩm của anh rất "đời thường", không "đao to búa lớn" mà bình dị, nhẹ nhàng để những ai đã đọc sẽ nhớ và phải tủm tỉm cười.
Những nhân vật trong tập truyện ngắn "Khát" của anh là những con người thuộc mọi tầng lớp trong đời thường. Đó là ông quản trang tốt bụng trong chuyện ngắn "card-visit", đó là người đảng viên 50 năm tuổi Đảng trong tác phẩm"Ối giời ơi may quá", đó là chuyện ngắn “Khát”, “Của đi mượn”, “Lệ làng”, "Lộc giời"... Những tác phẩm của anh “gần đời thường” đến nỗi có một nữ quan chức ở tỉnh quê hươngđã tìm đến anh trách cứ: “Vì sao anh nỡ đem hoàn cảnh của tôi lên báo”. Lúc đó Đào Nguyễn mới “ngớ” ra vì anh không hề biết “đời tư” của bà này!!!
Mục đích này đã được anh viết trong "lời tựa truyện" của cuốn sách: “Họ trở về làng quê với những tháng năm đổ mồ hôi trên các thửa ruộng thân thuộc hay làm anh thợ cắt tóc bình thường trên hè phố của cái thành phố nhỏ ngoại thành hoặc chạy xe lam kiếm sống trên các nẻo đường của thủ đô HàNội trước đây.Cứ thế họ vượt lên cái khó, thầm lặng sống với kỷniệm chiến thắng một thời của mình cùng đồng đội, thanh thản, không tranh giành và khi bị hiểu lầm cũng chẳng vì thế mà đánh mất phẩm chất của người lính:” ra trận đâu phải vì mục đích cá nhân, nhưng khi trở về dứt khoát phải trọn vẹn với niềm tự hào là đã hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc”.
Đào Nguyễn là một con người sống "đầy đặn" với gia đình, với bạn bè và cả với những người dân thường gặp nạn... Anh nói rằng anh lấy họ “Đào” của cha và họ “Nguyễn” của mẹ ghép lại thành bút danh “Đào Nguyễn”.Anh nhớ ơn cha mẹ vì họ đã dạy anh lẽ sống của đời: “Sống phải trung thực”. Và anh đã làm theo lời dạy của bậc sinh thành.
Đào Nguyễn, một cây bút với một tâm hồn đáng để những ai đã biết anh đều trân trọng và nhớ./.