Mùa mưa lũ năm 2018, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có đến 19 người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ. Đầu mùa mưa năm nay, địa phương đã ghi nhận 4 người chết và mất tích.
Ngoài nguyên nhân bất khả kháng do lũ quét, sạt lở đất, không ít trường hợp là vì người dân chủ quan ra sông, suối đánh bắt cá, hoặc vẫn đi qua suối, hay vớt củi khi lũ đang về.
Đi vớt củi tại các sông, suối là một trong những nguyên nhân số người thiệt mạng do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Lai Châu tăng hàng năm. |
Trời mưa sầm sập, nước từ thượng nguồn đổ về trên dòng sông Nậm Na ngày một dâng cao. Hòa trong dòng nước cuồn cuộn đổ về hạ nguồn là những cây gỗ, đám củi khô lềnh bềnh trên mặt nước. Bỏ mặc phía sau sự nguy hiểm của dòng nước dữ, hàng chục người dân hai bên bờ vẫn lội sâu xuống mép nước để vớt củi. Ở giữa dòng, nhiều chiếc thuyền máy tự chế do người dân điều khiển vẫn đi lại vớt củi, bắt cá mà không hề có phao cứu sinh, hoặc phương tiện bảo hộ nào.
Anh Màng Văn Thỏa, một người dân ở thôn Thèn Chồ, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ cho biết: Chỉ mùa mưa lũ, nước nhiều thì mới có củi gỗ nhiều. Biết là đi lại, hay vớt củi trên sông khi có mưa là nguy hiểm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nên bà con trong bản vẫn làm. Lúc đầu mới xuống mép nước cũng thấy sợ, nhưng vớt được nhiều củi cũng ham và vớt nhiều lần cũng thành quen.
“Trời mưa lúc 6h sáng, bà con thấy nhiều gỗ trôi trên sông nên ra vớt. Người có thể đi lại bằng thuyền trên sông và vớt gỗ thoải mái, gỗ nó đầy trên sông mà”, anh Thỏa nói.
Trời mưa ngày một to, gỗ, củi trôi trên sông ngày càng nhiều và người dân tập trung về vớt củi cũng ngày một đông. Không chỉ có bà con bản Thèn Chồ, thị trấn Phong Thổ, mà nhiều người dân ở các bản khác, xã khác quanh vùng cũng kéo nhau về đây vớt củi, lấy gỗ. Những người tham gia vớt củi đa phần là nam nữ thanh niên, người có sức khỏe. Tuy nhiên, cũng có không ít trẻ em cùng tham gia với người lớn. Bà con cho rằng đây là "lộc trời", nên dù có nguy hiểm cũng phải lấy cho bằng được.
Mặc dù đã được cơ quan chức năng, chính quyền vào cuộc nhưng số người tham gia vớt củi, đánh bắt cá, đi lại qua sông, suối khi nước lũ dâng cao vẫn không giảm |
“Sợ lắm, nguy hiểm lắm, nhưng chỉ người già mới không dám đi vớt củi thôi”, bà Điêu Thị Thanh, ở bản Nậm Cáy, xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ cho biết.
Cơ quan chức năng địa phương cho biết, trong số 9 người chết, 6 người mất tích, 4 người bị thương trong mùa mưa lũ năm 2018 ở huyện Phong Thổ, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, thì phần lớn các trường hợp thiệt mạng là do người dân chủ quan. Dù trời có đang mưa to hay mưa nhỏ, mỗi khi có việc là bà con vẫn mạo hiểm đi qua vùng nguy hiểm sạt lở, hoặc vượt qua sông, suối khi nước lũ đang dâng cao và chảy xiết; nhiều người thì đi vớt củi trong mưa lũ để kiếm "lộc trời".
Ông Nguyễn Thế Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: Hàng năm, trước mùa mưa lũ, các ngành chức năng cũng phối hợp với chính quyền cơ sở xuống các bản để tuyên truyền, vận động bà con chủ động ứng phó với mưa lũ. Các lực lượng cũng dùng nhiều biện pháp để cảnh báo người dân không ngủ tại lán nương, đi qua sông, suối, ngầm, tràn khi có mưa to. Đặc biệt là tuyên truyền bà con di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, nơi thường xảy ra lũ ống, lũ quét, nhưng bà con vẫn chủ quan không làm theo.
“Chúng tôi đã rà soát các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở và có các phương án để di chuyển các hộ đến nơi an toàn. Cảnh báo các hộ nằm ở dọc bờ sông, bờ suối, không thực hiện đi qua ngầm tràn trong lúc mà trên địa bàn có mưa lớn xảy ra. Đặc biệt, tuyên truyền bà con không vớt củi, đánh bắt cá ở dưới lòng sông, suối để tránh ảnh hưởng đến con người”, ông Nguyễn Thế Hải cho biết.
Sự chủ quan trước diễn biến phức tạp của mưa lũ của người dân Phong Thổ nói riêng, lai Châu nói chung đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn tính mạng, nhất là đối với người dân đang sinh sống ven sông, suối và vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã có công điện chỉ đạo đối với các sở, ngành, chính quyền các địa phương chủ động các phương án phòng chống mưa lũ. Cảnh báo và tổ chức kiểm soát tốt người qua lại tại các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập, có biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, nhận thức và chủ động ứng phó để giảm thiểu thiệt hại./.