Thời gian qua công tác quản lý về đăng ký, đăng kiểm các phương tiện giao thông đường thủy và người điều khiển phương tiện ở lĩnh vực này tại một số địa phương chưa chặt chẽ, nhiều phương tiện chưa đăng ký và số lượng các thuyền viên không có chứng chỉ, bằng cấp về chuyên môn vẫn tham gia hoạt động.
Tuyến thủy nội địa Cửa Đại - Cù Lao Chàm (Hội An)-ảnh: Cổng TTĐT Bộ GTVT |
Đây là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông đường thủy và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông thời gian tới nếu không có biện pháp quản lý tốt.
Thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thấy, đến hết tháng 8 năm nay, cả nước có hơn 250.000 phương tiện đã được đăng ký với tổng trọng tải gần 17 triệu tấn; hơn 560.000 ghế và gần 17 triệu sức ngựa, chiếm khoảng 53%. Trong đó, số lượng vận tải thủy khu vực ĐBSCL chiếm từ 60 – 70% so với cả nước.
Một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy thời gian qua là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện, một số không có chứng chỉ bằng cấp chuyên môn, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm hoặc phương tiện kém chất lượng…
Ông Hoàng Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam cho rằng: Giao thông đường thủy khu vực phía Nam phát triển nhanh chóng, các hoạt động đều được vận chuyển bằng đường thủy với số lượng vận tải hàng hóa lớn. Nhưng số lượng các thuyền viên có chứng chỉ, bằng cấp về chuyên môn còn hạn chế. Do đó, cần tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
“Giao thông đường thủy khu vực phía Nam phát triển rất mạnh, nhưng cũng có nhiều cái phức tạp. Chúng ta đều biết toàn bộ hoạt động của nhân dân trong khu vực chủ yếu liên quan đến giao thông đường thủy, thành thử công tác đảm bảo an toàn giao thông rất nỗ lực, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để cho người dân càng ngày càng nhận thức được quy định của pháp luật, để họ thực hiện cho nó tốt để đảm bảo an toàn”, ông Hoàng Văn Hùng nói.
Ông Hoàng Minh Thái, Trưởng phòng quản lý phương tiện, thuyền viên Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng: Công tác thực hiện đăng ký phương tiện thủy nội địa cả nước thời gian qua đã đẩy mạnh cải cách về thủ tục hành chính, trong đó thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, xóa bỏ các thủ tục không cần thiết, xây dựng hệ thống thủ tục hành chính theo hướng hiệu quả, công khai, minh bạch. Ngoài ra, Cục Đường thủy nội địa còn ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác quản lý, đăng ký phương tiện thủy nội địa.
Từ đó, sẽ phối hợp với các Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành, các Cơ sở dạy nghề thực hiện việc cập nhật dữ liệu về thuyền viên và người lái phương tiện để phục vụ công tác quản lý được tốt hơn.
Tổ chức đăng ký và tuyên truyền hướng dẫn cũng như có chế tài thì việc đó do Sở Giao thông Vận tải, phải xây dựng phải tìm ra biện pháp áp dụng đối với mình làm sao phù hợp nhất để người dân đăng ký. Còn trách nhiệm của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ đôn đốc tạo ra các hành lang pháp luật làm sao thuận lợi nhất.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam cho rằng, hệ thống luồng lạch bến bãi hay bến thủy chưa được tổ chức đồng bộ, phù hợp với quy chuẩn hiện hành.
Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn về lĩnh vực quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện đã có, nhưng việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý, xử lý vi phạm phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan Trung ương chưa được liên tục và kịp thời. Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ và quan tâm đến cơ sở hạ tầng hơn nữa.
Lực lượng cán bộ làm công tác quản lý an toàn giao thông rất đông đảo, cán bộ thì cũng được đào tạo rất nhiều chuyên ngành, mà công tác quản lý về an toàn giao thông cần có cái nhìn bao quát, tổng quát hơn để tham mưu cho các cấp lãnh đạo chỉ đạo những giải pháp đồng bộ, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng, gây thiệt hại cả về tính mạng và tài sản của người dân. Nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện chủ quan, số thì không bằng cấp và không chứng chỉ.
Để hạn chế các vụ tai nạn có thể xảy ra cần nâng cao ý thức của các chủ phương tiện, người điều khiển thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật…
Các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, từ công tác quản lý đăng ký, đăng kiểm và người điều khiển, có chế tài xử lý mạnh tay để răn đe, khi đó mới quản lý tốt vấn đề giao thông đường thủy./.
Xe tang chở quan tài bốc cháy đã hết hạn đăng kiểm hơn 1 năm
Quảng Ninh: Bắt tàu hết đăng kiểm vận chuyển than không rõ nguồn gốc