Vỡ đường ống nước sông Đà - điệp khúc ấy đã lặp đi lặp lại đến 13 lần kể từ khi đường ống dẫn nước này được đưa vào sử dụng cuối năm 2012. Sự cố vỡ lần thứ 13 khá nặng nề, gây ra tình trạng mất nước dài ngày, làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn người dân.

Và nhiều khả năng, đường ống “mong manh” sẽ lại tiếp tục vỡ, tiếp tục khiến 70.000 hộ dân thủ đô phải lao đao, khổ sở vì thiếu nước sạch sinh hoạt. Điều mà người dân cần không chỉ là nguồn nước sạch được cung cấp liên tục, ổn định, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, mà còn là sự thể hiện trách nhiệm cao nhất của những người đứng đầu, các cơ quan chức năng khi để xảy ra liên tiếp các sự cố vỡ đường ống, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.

nuoc_song_da_rmnp.jpg
Người dân lo sợ tình trạng vỡ đường ống dẫn nước tiếp tục xảy ra

Nhịn... tắm, vệ sinh

Khoảng một tuần qua, mọi sinh hoạt của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Bình và ông Đoàn Tư Ngạn ở ngõ 107 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội bị đảo lộn hoàn toàn vì mất nước. Hai ông bà cùng 8 thành viên khác trong gia đình phải tìm cách sơ tán đến nhà người quen ở khu vực không bị mất nước để nhờ vả chuyện tắm, giặt.

Còn chuyện ăn uống, bà Bình cho biết, cả một tuần bà không dám mua những loại rau nhiều lá để đỡ tốn nước rửa. Những lúc cạn kiệt không còn lấy một giọt nước sạch, giải pháp của gia đình là mua cơm hộp về ăn. Khổ sở nhất là phải tiết kiệm nước cả lúc đi vệ sinh.

Người đi làm thì tranh thủ vệ sinh tại cơ quan, còn người ở nhà phải tích trữ, tận dụng mọi loại nước đã qua sử dụng để phục vụ chuyện này. “Sống giữa thủ đô mà “khát” nước như ở giữa sa mạc”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình đã phải thốt lên!

Ông Đoàn Tư Ngạn cho biết, 1 tuần mất nước cũng là chừng ấy ngày vợ chồng ông phải thức đêm “canh” nước. Bởi, lần mất nước nào cũng vậy, nước chỉ được cấp trở lại vào nửa đêm, nên các gia đình đã quen với cảnh đợi chờ này. Đến khoảng 4h sáng ngày 20/8, nước đã được cấp lại, nhưng rất yếu. Bất an, lo lắng vì rất có thể vài ngày nữa đường ống nước sông Đà lại vỡ, gia đình ông phải tận dụng hết mọi xô, chậu, đồ dùng chứa sẵn nước để đề phòng.

“Cảnh mất nước rất là vất vả. Một chậu nước được dùng 3 lần, lần thứ nhất dùng để rửa rau, xong chắt nước trong lại, còn nước cặn đổ đi. Nước trong này dùng để rửa bát, rửa bát xong lại đổ ra xô để dùng vệ sinh. Mặc dù đã có nước nhưng nhà tôi đã phải có tinh thần đề phòng mất nước tiếp, có một vài thùng để chứa nước, dùng nước vẫn phải rất tiết kiệm”.

Nước về, nhưng như “nước nhỏ mắt”

Quận Đống Đa là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự cố mất nước do vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 13. Các đơn vị phân phối nước sạch đã phải dùng xe téc để cung ứng phần nào nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân, lượng nước này chỉ như “nước nhỏ mắt”.

Chẳng hạn như cả tổ dân phố số 3, phường Láng Hạ, quận Đống Đa có cả nghìn dân, thì cả ngày chỉ có 3 xe téc nước đến hỗ trợ. Mỗi ngày, một gia đình cũng chỉ xách được 2-3 xô nước từ nguồn này, chưa kể có hộ chỉ toàn người già, không thể xách được nước nên đành ngán ngẩm đứng nhìn.

Chưa hết bức xúc, khổ sở vì nước, người dân lại phải chuẩn bị tinh thần cho những lần vỡ tiếp theo. Một người dân bức xúc: “Riêng đường ống nước này thì Nhà nước phải đầu tư, vì đây là dân thủ đô. Nguy cơ lại vỡ nước liên tục, sắp tới lại vỡ tiếp thế này thì cuộc sống của chúng tôi cứ đảo lộn, gay go quá. Mấy ngày không tắm, trời thì nóng thế này. Nhà toàn người già, nếu có một hai thanh niên thì còn đi xách nước được. Đây chúng tôi nhìn thấy xe téc nước mà chịu chết”.

13 lần vỡ đường ống dẫn nước sông Đà, nhưng đây là sự cố gây mất nước lâu nhất, khiến hơn 70.000 hộ dân tại các khu vực Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Cầu Giấy, Bắc và Nam Từ Liêm phải lao đao trong cảnh thiếu thốn nước sạch sinh hoạt.

Phải công khai số điện thoại để dân “kêu”

Khi xảy ra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 13, Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco), trực thuộc Tổng Công Cổ phần Vinaconex đã đóng van tại điểm đấu cấp nước và địa bàn của Công ty Nước sạch Hà Nội (khu vực Big C) nên nhiều địa bàn như Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Hoàng Mai đã bị mất nước kéo dài.

Đến 7h sáng 17/8, Viwasupco mới vận hành van trở lại và duy trì cấp nước, nhưng một số khu vực bất lợi, cuối mạng lưới vẫn còn khó khăn về nước sinh hoạt như Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa... Công ty nước sạch Hà Nội đã sử dụng 5 xe téc, mỗi xe khoảng 5-10 khối nước chạy liên tục để cung cấp nước cho người dân.

Phân phối nước cho toàn bộ địa bàn quận Thanh Xuân, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) cũng huy động 2 xe chở nước chạy liên tục, mỗi ngày cung cấp vài chục chuyến. Đến ngày 20/8, một số nơi nước vẫn chưa về, hoặc chỉ có nhỏ giọt, các xe stec vẫn tiếp tục cung cấp nước sạch hỗ trợ người dân sinh hoạt. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính tình thế.

Ông Cao Hải Tháp, Phó Giám đốc Viwaco nói: “Hiện nay, với điều kiện của Viwaco chỉ sử dụng duy nhất nguồn nước sạch sông Đà, thực trạng hiện nay nước sạch sông Đà thì thỉnh thoảng xảy ra sự cố. Do vậy sau khi có sự cố, việc đầu tiên chúng tôi phải đầu tư vận hành điều tiết hệ thống mạng, tăng cường đầu tư cải tạo các tuyến ống; thứ 3 là cấp bằng xe téc để hạn chế tối thiểu việc bà con không có nước sử dụng tại các điểm cuối nguồn”.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong lần vỡ thứ 13 này, lại phát hiện thêm 2 điểm nguy cơ cao xảy ra sự cố. Vì vậy, đơn vị này nhận định, sự cố vỡ đường ống còn có khả năng tiếp tục xảy ra, yêu cầu các Công ty cung cấp nước sạch xây dựng phương án cấp nước trong trường hợp mất nước kéo dài.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục yêu cầu: “Phải có số điện thoại và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để dân gọi yêu cầu, phản ánh. Như vậy với chủ trương là phải có nước mà dùng, nếu anh không cung cấp được từ nguồn thì phải có xe téc, nếu anh không cung cấp được cả ngày thì cũng phải cung cấp theo giờ”.

Sở Xây dựng Hà Nội cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Tổng Công ty Vinaconex khẩn trương triển khai và đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng tuyến ống số 2 dẫn nước từ Nhà máy nước sông Đà nhằm bổ sung và đảm bảo cấp nước an toàn cho thành phố.

Được biết, sáng 21/8, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã chủ trì cuộc họp kín với các bên liên quan để bàn phương án khắc phục, giải quyết vấn đề này. Chưa biết các giải pháp tiếp theo là gì và có hiệu quả hay không, nhưng điều chắc chắn là hàng chục vạn dân thủ đô vẫn còn tiếp tục phải lao đao mỗi khi đường ống dẫn nước sông Đà… lại vỡ./.