Trên mạng xã hội trong thời gian qua xuất hiện nhiều đoạn clip ghi lại những vụ việc đập phá xe ô tô vì đỗ xe chắn trước cửa nhà dân. Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà cho rằng khoảng không trước cửa nhà cũng thuộc quyền quản lý của mình nên cấm không cho tài xế đỗ xe.

Trả lời PV VOV.VN, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, không gian công cộng là không gian phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người.

dap_pha_xe_o_to_do_truoc_cua_nha_1555849541111_uily.jpg
Nhiều trường hợp xe ô tô đậu chắn cửa nhà dân bị chủ nhà ra đập phá. 

“Có hai thể loại không gian công cộng chính đó là không gian "vật thể", ví dụ: quảng trường, đường phố, công viên...Không gian "phi vật thể", ví dụ: các diễn đàn trên Internet, các trang blog, các trang mạng xã hội hay các cuộc đối thoại tranh luận trực tuyến...Trong không gian công cộng, người sử dụng vừa là người quan sát, lại vừa là người tham gia các hoạt động chung. Hình thức hay hoạt động của mỗi người trong không gian công cộng thường gây ảnh hưởng tới những người khác, vì thế, không gian công cộng được coi là nơi diễn ra các xung đột xã hội cũng như là nơi của các hòa giải xã hội giữa các tổ chức cá nhân”, luật sư Bình cho biết.

Có những vụ đập phá khiến xe ô tô hư hỏng nghiêm trọng.

Luật sư Bình cho biết thêm, theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ và trên đường phố phải thực hiện theo các quy định tại Điều 18 về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ và Điều 19 về dừng xe, đỗ xe trên đường phố. Trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định liên quan đến dừng xe, đỗ xe thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. 

Rất nhiều hình thức đập phá của người dân với những ô tô đỗ chắn cửa nhà.

Mặt khác, luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng đã quy định về việc sử dụng đường phố, các hoạt động khác trên đường phố và trên đường bộ; đồng thời quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và Ủy ban nhân dân các cấp.

Khoản 3 và 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;

g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

a) Bên trái đường một chiều;

b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

c) Trên cầu, gầm cầu vượt;

d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;

g) Nơi dừng của xe buýt;

h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Điều 19 Luật giao thông đường bộ quy định dừng xe, đỗ xe trên phố:

Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:

1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.

2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

Luật sư Bình trích dẫn, tại Điều 175 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

 Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

“Từ khái niệm về không gian công cộng và quy định của pháp luật thì chúng ta chỉ có quyền sử dụng theo ranh giới đã được xác định nên việc các hộ cho rằng mình có quyền đối với lề đường, lòng đường là không đúng quy định pháp luật”, luật sư Bình nhấn mạnh.            

Bên cạnh đó tính mạng, sức khỏe và tài sản được pháp luật bảo vệ do đó việc đập phá, hủy hoại tài sản của người khác nếu giá trị thấp, chưa gây thiệt hại nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng sẽ bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 2.000.000 - 5000.000 đồng theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Cụ thể phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

Tội hủy hoại hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm./.