Tại tỉnh Quảng Nam, đêm 9/10 và sáng 10/10, mưa lớn, các hồ thủy điện điều tiết mực nước hồ khiến lũ lên nhanh và bất ngờ. Nhiều người dân ở huyện Đại Lộc chưa kịp chuẩn bị lương thực và thực phẩm để đón lũ, một số nơi thiếu nước sinh hoạt.
Chỉ trong chưa đầy 2 giờ đồng hồ, mực nước ở đường Huỳnh Ngọc Huệ, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc dâng lên từ 0.5 - 1m. Nước lên nhanh, nhiều người dọn đồ đạc đưa lên nơi cao tránh mưa lũ. Anh Phan Văn Lợi, ở khối phố Nghĩa Nam, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, lũ lên rất nhanh khiến gia đình anh không kịp trở tay. Ngôi nhà anh cao hơn mặt đường hơn nửa mét, nhưng lúc 8 giờ sáng 10/10, nước đã tràn vào nhà. Anh Lợi cho biết thêm, nước chảy mạnh, lũ lên nhanh gây ngập lụt diện rộng.
Hiện bà con thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc chuẩn bị nhiều phương án ứng phó với mưa lũ. Nếu nước tiếp tục dâng cao, bà con sẽ chủ động di dời. Mùa lũ này, rất nhiều người đã trang bị áo phao, ghe xuồng để sẵn trong nhà. Anh Phạm Văn Ry, 34 tuổi, ở khối phố Nghĩa Đông, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc cho biết, nước lên quá nhanh, cả gia đình anh gồm 5 người không kịp xoay xở. Hiện nước đã ngập ngôi nhà anh hơn 1m, chỉ bơi ghe mới vào được nhà. Gia đình anh Ry có 5 người đều sinh hoạt trên căn gác, đồ đạc cũng được kê chung lên gác. Theo anh Phạm Văn Ry, hiện tại cả gia đình anh đang rất khó khăn về nước sinh hoạt, chỉ còn cách hứng nước mưa để dùng.
“Nước lũ lên từ 12h đêm, lũ lên xuống bất ngờ. Người dân ở đây cũng quen sống chung với lũ. Bây giờ không có nước máy để dùng, chúng tôi chỉ dùng tạm nước mưa. Bà con mình cũng thích ứng vì đây là vùng lũ”- anh Ry chia sẻ.
Từ tối 9/10 mưa lớn, nước dâng gây ngập, cô lập hàng trăm hộ dân ở Quảng Nam. Ngập nặng nhất là những hộ dân gần khu vực đầu nguồn sông Vu Gia trên địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam Để ứng phó với thời tiết nguy hiểm, tỉnh Quảng Nam liên tục thông báo, cảnh báo an toàn đến người dân. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương sơ tán dân tránh lũ hoàn thành trước 18h chiều 10/10, đồng thời phối hợp với các địa phương vận hành điều tiết lũ phù hợp.
"Trước 18h tối nay phải sơ tán dân vùng ngập lụt. Tất cả các huyện như Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên Hội An và vùng núi cao chú ý sạt lở để di dời dân. Dự báo khu vực thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc có khả năng lên 9,7m cao hơn đỉnh lũ lịch sử 2013. Vì vậy tỉnh yêu cầu các huyện khởi động phương án 4 tại chỗ, hướng dẫn cho người dân biết thông tin để sơ tán"- ông Hồ Quang Bửu cho biết. (CTV Thanh Thắng/VOV-Miền Trung).
Từ tối 9/10 đến chiều 10/10, lượng mưa đo được tại tỉnh Quảng Trịlớn nhất là 1.475mm, lũ trên các sông lên nhanh và đều ở mức báo động 3, có nơi vượt đỉnh lũ lịch sử 1983. Hiện dung tích các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn đạt hơn 1 nửa, các hồ chứa nhỏ cơ bản đã tích đầy nước. Tỉnh Quảng Trị tiếp tục di dời người dân ở vùng thấp trũng và triển khai ứng cứu các thuyền viên của các tàu gặp nạn trên biển.
Chiều 10/10, công tác cứu nạn 8 thuyền viên tàu Vietship 01 bị chìm ngoài khơi tiếp tục được triển khai khẩn trương. Các lực lượng Quân đội, Biên phòng, Cảnh sát biển và người dân địa phương có mặt ở bờ biển xã Triệu An, huyện Triệu Phong để tham gia cứu nạn. Đã có 1 tàu cá với 4 ngư dân được trang bị áo phao, phao tròn, dây thừng để tiếp cận tàu chìm, ứng cứu các thuyền viên gặp nạn. Tuy nhiên, khi vừa tiếp cận được tàu Vietship 01 thì tàu chở các ngư dân bị sóng đánh chìm, 3 ngư dân lên được tàu Vietsip 01 và mắc kẹt trên tàu đó. Còn 1 ngư dân bị rơi xuống biển và bơi được vào bờ an toàn.
Hiện trên tàu Vietship 01 có 12 người, bao gồm 8 thuyền viên và 4 ngư dân. Thiếu tướng Trần Văn Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Quốc phòng cho biết, điều kiện thời tiết rất khó khăn, sóng rất to, nước lớn, các phương tiện hiện đại không tiếp cận được.
“Sáng nay, chúng tôi đã thống nhất cho tàu ra trục vớt nhưng không thành. Bây giờ chúng tôi bàn bạc và thống nhất phương án huy động các phương tiện có thể có tiếp cận được và đưa phao ra cứu các thuyền viên trên biển đảm bảo an toàn nhất”- Thiếu tướng Trần Văn Sơn cho biết.
Từ tối 9/10 đến ngày 10/10, mưa lũ gây ngập nặng tại 2 huyện Triệu Phong và huyện Hải Lăng, có nơi ngập sâu trên 3m. Nhiều nơi ngập lụt đã vượt đỉnh lũ năm 1999. Tỉnh Quảng Trị đã điều động 30 chiếc ca nô cùng với lực lượng cứu hộ đến nơi bị ngập nặng và vùng xung yếu sơ tán người dân đến nơi an toàn. Hiện nay, nước lũ trên sông lên nhanh, từ trưa 10/10, huyện Hải Lăng tiếp tục sơ tán người dân rời khỏi vùng ngập lụt, cô lập. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã sơ tán hơn 6.700 hộ với 20.000 người đến các khu vực an toàn. (Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung).
Mưa lũ gây ngập lụt kéo dài trong những ngày qua tại các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hàng chục nghìn nhà cửa của dân bị ngập lụt, các công trình đê đập sạt lở nghiêm trọng. Hiện nước lũ đang rút chậm.
Chiều 10/10, tại vùng trũng các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, hàng nghìn ngôi nhà còn ngập trong nước lũ. Người dân cho rằng nước lũ lên là do triều cường cộng với việc thủy điện điều tiết, xả lũ lưu lượng lớn gây ngập nặng. Anh Dương Công Thịnh, ở làng Hương Cần, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà cho biết: Nước dâng rất nhanh nên bà con vùng trũng trở tay không kịp khó khăn.
"Hàng xóm xung quanh nhà tôi bị ngập ngập hết, phải đi sơ tán ở một số trường học. Giờ sinh hoạt ăn uống rất khó khăn, ăn tạm mì tôm để sống qua ngày"- anh Thịnh nói.
Hiện, người dân ở vùng rốn lũ các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang… đang dồn sức chống chọi với lũ. Tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp và nguy cơ lũ chồng lũ đang hiện hữu rất cao. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã yêu cầu các địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mưa lũ, chủ động sơ tán người dân khi cần thiết.
"Triển khai ngay phương án hỗ trợ kịp thời vùng phải chịu lũ và ngâm trong nước lũ. Ở Quảng Điền, Phong Điền do ảnh hưởng của việc nước lũ về và triều dâng nên lũ ở trong khu vực này có khả năng kéo dài. Nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời cho việc điều tiết nước cũng như cảnh báo người dân thì rõ ràng đã ảnh hưởng đến cuộc sống một thời gian dài ở vùng thấp lũ này"- ông Phan Ngọc Thọ cho biết./. (Lê Hiếu/VOV-Miền Trung).