Năm 2017, TP HCM thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với con số ấn tượng 6,6 tỷ USD, tăng hơn 90% so với năm trước. Riêng trong 3 tháng đầu năm nay, thành phố thu hút  vốn FDI  được 1,370 tỷ USD, tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2017. 

thanh_pho_thong_minh_rqpq.jpg
Thành phố thông minh tập trung 4 chủ thể chính của đô thị: Chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Để phát triển nhanh và bền vững, thành phố đang kêu gọi các nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp FDI  vào những dự án trọng điểm, trong đó có Đề án “Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh”. 

Để làm được điều này, thành phố đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và có cơ chế, chính sách đột phá

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết: Thành phố đang tập trung  triển  khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Với tinh thần này, TP đẩy mạnh đổi mới cơ chế sáng tạo và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án chủ yếu sẽ đấu thầu công khai, minh bạch. Trong đó, đẩy mạnh huy động nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh”.

Trước mắt, TP sẽ thiết kế xây dựng một khu đô thị sáng tạo của thành phố, tích hợp 3 quận là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, nơi đây có 20 trường đại học và Khu Công nghệ cao. Khu đô thị này sẽ là trung tâm tài chính, khoa học, công nghệ và sẽ làm hạt nhân, tương tác, phát triển sang những khu vực khác của thành phố. TP HCM rất cần kinh nghiệm của những  doanh nghiệp đã đầu tư thành công ở những thành phố thông minh trên thế giới.

TP đang chuẩn bị tốt điều kiện mặt bằng và bộ máy công quyền để thu hút và phục vụ doanh nghiệp FDI hiệu quả hơn. Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc  Sở Kế họach và Đầu tư TP HCM cho biết: “Chúng tôi rà soát lại quy hoạch, khu công nghiệp, khu chế xuất, chuẩn bị quỹ đất cho các ngành nghề, khu  đô thị sáng tạo,  thành phố thông minh…”.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm Đề án “Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh”, nhất là các doanh nghiệp của Mỹ và Châu Âu, nơi có nhiều kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh.

Nhiều doanh nghiệp FDI cam kết sẽ hỗ trợ các giải pháp công nghệ để xây dựng TP HCM trở thành thành phố thông minh. Ông Jonh Rockhold, Giám đốc Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho biết: “Các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đã bắt đầu hợp tác và triển khai những hoạt động cụ thể với TP HCM về thành phố thông minh. Tháng 7 năm nay, phái đoàn của các thành phố Lasvegas sẽ đến bàn việc hợp tác với TP HCM. 

Chúng  tôi có 30 tập đoàn của Mỹ đã đến gặp gỡ lãnh đạo TP, một số thành phố ở Việt Nam và có các hoạt động tham gia dự án thành phố thông minh. Chúng tôi đã hợp tác với thành phố xây dựngTrung tâm tiếp nhận thông tin và ứng cứu khẩn cấp. Chúng tôi có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào TP HCM về năng năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh”.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đề án, nhiều doanh nghiệp FDI cũng cho rằng, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực thuế, hải quan và thủ tục đất đai... Đặc biệt, thành phố cần nhất quán trong việc triển khai và thực hiện các cơ chế, chính sách, đồng thời nên tham vấn cộng đồng doanh nghiệp khi ban hành những chính sách tác động đến họ.

Ông Nicolas Auudier- Chủ tịch Hiệp hội Châu Âu cho rằng: “Thành phố nên góp phần cùng chính phủ để đẩy nhanh việc thông qua Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Châu Âu để thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thành phố cần hoạch định chính sách cởi mở, minh bạch, hệ thống pháp lý thông nhất và đồng bộ. Thành phố nên minh bạch thông tin về đầu tư, quy hoạch, đất đai...”.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cam kết với các doanh nghiệp FDI: Thành phố sẽ  ổn định, nhất quán các cơ chế chính sách đã đề ra trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Đồng thời cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, tỷ lệ kê khai thuế điện tử chiếm 98%, sẽ giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan và thời gian tiếp nhận kiểm tra  thực tế hàng hóa. Cam kết rút ngắn thời giải quyết hồ sơ về đất, tài sản gắn liền với đất của các tổ chức và doanh nghiệp từ 57 xuống còn 14 ngày. 

Thành phố sẽ thành lập tổ tác đầu tư liên ngành do Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng. Đây là tổ công tác  đặc biệt của thành phố được thành lập đầu tiên trong cả nước và chưa có tiền lệ. Tổ công tác hỗ trợ xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp cho đến khi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động hoạt động, kể cả việc hỗ trợ thông tin về quy hoạch để doanh nghiệp xây dựng án và các vấn đề liên quan hệ với các bộ, ngành trung ương. 

Doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại tổ, rút ngắn 50% thời gian giải quyết hồ sơ so với quy định. Thành phố cũng sẽ thành lập tổ liên ngành về đất đai, tổ này sẽ giải quyết 2 vấn đề mà doanh nghiệp đang vướng, đó là xác  định chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và dự kiến thời gian GPMB, bàn giao đất  sạch cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Phong, nhấn mạnh: “Quan điểm của thành phố là mọi doanh nghiệp, tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài đều được bình đẳng. Công tác thanh tra, kiểm tra đều được lồng ghép 1 lần trong năm, thành phố không hình sự hóa vấn đề kinh tế, thành phố sẽ giải quyết  những  khó khăn của doanh nghiệp”.

Với những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo UBND TP HCM  trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và những chính sách đột phá đang mở ra những kỳ vọng mới, củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư để góp phần cùng thành phố thực hiện thành công Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh”./.