Mưa lũ kéo dài trong nhiều ngày khiến hàng trăm ngôi nhà ở vùng trũng tỉnh Quảng Trị ngập lụt, nhiều nơi bị cô lập.
Nửa đêm, nước lũ từ thượng nguồn tràn về vùng rốn lũ Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Hàng trăm nhà dân bị ngập lụt, giao thông bị chia cắt. Đến chiều tối 8/11, vùng trũng xã Hải Hòa, nước bạc vẫn lai láng.
Người dân đi lại trong mưa lũ. |
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc (40 tuổi, trú tại thôn An Thơ, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng) cho biết, nửa đêm nước lũ về quá nhanh, nhà ông ngập sâu đến 1,5m.
Nhìn xung quanh nhà của bà con hàng xóm chìm dần trong nước. Cả 3 thôn bị nước lũ cô lập. Mọi người hô hoán nhau đưa tài sản lên gác cao tránh nước.
Vừa đưa tài sản, thóc lúa lên nhà cao, ông Nguyễn Vĩnh Phúc đã vội kéo ghe đi sang các nhà ở chỗ trũng thấp, giúp người già neo đơn, tàn tật di chuyển đến nơi an toàn.
“Mỗi lần nước lên cao, đối với gia đình mình có ghe xuồng thì tìm tới những gia đình bị ngập lụt sâu mà không có ghe thuyền để kịp thời đưa họ tới nơi cao”, ông Phúc cho hay.
Tại xã Hải Hòa huyện Hải Lăng, hơn 200 nhà dân bị ngập lụt trong 4 ngày qua. Người dân đi lại phải dùng ghe.
Nước lũ bao vây người dân xã Hải Hòa trong 4 ngày nay |
Ông Nguyễn Văn Mười (ở thôn Phú Kinh, xã Hải Hòa) cho biết, lương thực dự trữ đang cạn dần. Theo ông Nguyễn Văn Mười, người dân vùng rốn lũ đùm bọc, vượt qua hoạn nạn.
“Cuộc sống của mình trong lụt khó khăn, thực phẩm trên chợ không có, ai có cái gì thì giúp đỡ cái đó từ cơm, nước, mì tôm, rồi nhường chỗ cho bà con tới trú ngụ. Tinh thần bà con giống như gia đình mình, như ruột thịt, chia sẻ từng miếng cơm manh áo”, ông Mười cho biết.
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang có mưa, kèm theo lượng nước từ thượng nguồn của các sông đổ về khiến cho các địa phương vùng trũng nước rút rất chậm.
Ông Cái Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương thực hiện phương châm 4 tại chỗ ứng phó với mưa lũ, bà con thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau trong đợt thiên tai này.
“Trong lụt bão, nhiều hộ khó khăn, những hộ neo đơn, đặc biệt là những hộ tàn tật thì những nhà có điều kiện giúp đỡ, kê đồ đạc. Bên cạnh đó là hỗ trợ thêm vật chất đối với những hộ còn khó khăn. Hiện nay ghe thuyền, những vật dụng liên quan phòng chống lụt bão bà con luôn sẵn sàng ứng phó”, ông Cư cho biết thêm.
Trắng tay sau lũ
Huyện Phú Vang được xem là vựa hoa của tỉnh Thừa Thiên. Ở đây đã hình thành vùng chuyên sản xuất hoa tươi phục vụ các dịp lễ, Tết. Đợt lũ lớn này làm cho phần lớn diện tích hoa trồng bị hư hại.
Đứng bên cánh đồng hoa hoa xác xơ sau lũ, bà Lê Thị Duyên (ở thôn Phú Khê, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) than thở, gia đình đầu tư hơn 20 triệu đồng trồng hơn 15.000 cây hoa các loại như: Cúc vàng, cúc kim vạn thọ. Sau 3 tháng chăm bón, gần đến thời điểm thu hoạch thì bị ngập sâu trôi gần hết, số còn lại hư hỏng nặng, gia đình bà Duyên lâm cảnh khó khăn.
Vùng chuyên canh hoa ở Thôn Phú Lưu, xã Phú Dương xác xơ sau lũ |
Không riêng gia đình bà Duyên, hầu hết các gia đình chuyên trồng hoa ở Thừa Thiên-Huế đều trắng tay sau lũ.
Ông Trần Văn Chương (ở thôn Phú Lưu, xã Phú Dương) cho biết, hoa vừa trồng bán Tết Nguyên đán của gia đình cũng bị lũ ngâm hư hại, thiệt hại hơn 50 triệu đồng.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Vùng chuyên canh hoa của xã khoảng 5 ha, đợt lũ lớn này hầu hết đều hư hại.
“Địa phương cũng đang tập trung chỉ đạo các thôn hỗ trợ bà con để tập trung khắc phục diện tích hoa nhưng hầu như không thể khắc phục được. Đây là vùng cao nhất nhưng chỉ còn một diện tích rất là nhỏ thấy hoa, còn lại đều chìm trong nước”, bà Hằng cho hay.
Nghề trồng hoa đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân ở vùng hạ lưu sông Hương. Nhưng vụ hoa năm nay, công sức của người dân các làng hoa ở Thừa Thiên Huế đã “trôi” theo dòng nước lũ./.
Đến nay, mưa lũ tại tỉnh Quảng Nam đã làm 15 người chết, 7 người mất tích, 15 người bị thương. 82 xã, phường thị trấn trên địa bàn bị ngập, nặng nhất là các huyện: Đại Lộc, Duy Xuyên, Bắc Trà My và thành phố Hội An.
Mưa lũ cũng làm gần 250 nhà bị hư hỏng, giao thông thiệt hại nặng nề, gây chia cắt giao thông ở nhiều địa phương miền núi.
Người dân Huế chèo thuyền, đánh cá trên đường phố trong ngày mưa lũ
Mưa lũ cuốn trôi cầu, làng tái định cư bị cô lập
Ảnh: Cuộc sống của người dân Quảng Nam đảo lộn vì mưa lũ
Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề ở Quảng Ngãi