>> Nguy cơ dịch tả tiếp tục lan rộng >>TP.HCM: Nguy cơ bùng phát dịch tả từ xóm ghe trên sông

Phố Nguyễn Quý Đức (Hà Nội) con phố ẩm thực của sinh viên Hà Nội luôn tấp nập, đủ các hàng ăn phục vụ sinh viên từ xôi, chè, phớ đến các món bún đậu mắm tôm, lòng lợn… Ngay từ đầu giờ sáng, các quán ăn đều đắt khách. Tại quán bún ngan nằm giữa phố, dưới chân thực khách đầy giấy ăn, xương, rác… nồi nước dùng kê cạnh cống nước thải ven đường. Tuy nhiên, tình trạng mất vệ sinh này vẫn không ảnh hưởng lắm đến các khách hàng, họ vẫn hồn nhiên ăn uống ngay bên vỉa hè bụi bặm.

Khi chúng tôi hỏi về dịch tiêu chảy cấp thì rất nhiều sinh viên không biết hoặc có chăng chỉ lơ mơ kiểu như nghe nói là có, rồi hình như là đang có ở trong miền Nam…

quan-an-via-he.jpg

Người dân thủ đô vẫn dửng dưng với dịch tiêu chảy

Nguyễn Đức Giang, sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên nói: “Em hay ăn ở ký túc xá, nhìn cũng mất vệ sinh, ở xung quanh trường các quán bình dân hầu như thế, còn muốn sạch sẽ, hợp vệ sinh thì phải vào quán đắt tiền”.

Khu vực hàng ăn trong chợ Ngọc Hà nằm khiêm tốn trong một góc nhỏ, ẩm thấp, nền nhớp nháp bùn đất, liền kề là những sạp hàng thịt lợn, tôm, cua với mùi tanh lợm… Thế nhưng khách hàng vẫn vào và thản nhiên ngồi ăn. Khi chúng tôi hỏi về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chị Nguyễn Thị Toan, một người bán hàng ăn tại chợ Ngọc Hà đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, ngay bên cạnh bếp ăn của cửa hàng một đống rác với đủ những thứ hổ đốn… Chị Toan cho biết: “Mình toàn ăn đồ ăn chín nên chắc là không có chuyện dịch tả xảy ra đâu. Hàng hóa mua đều rõ nguồn gốc, không ngại chuyện hàng hóa ôi thiu. Nước canh toàn đun nước sôi, rửa bát rất là sạch sẽ. Từ ngày bán hàng không vấn đề gì xảy ra chuyện dịch tả”

Tương tự như chợ Ngọc Hà, khu hàng ăn tại chợ Cầu Giấy cũng nằm trong những điều kiện vệ sinh thiếu đảm bảo. Bà Nguyễn Thị Xuyến, Trưởng Ban quản lý chợ Cầu Giấy cho biết: “Chúng tôi cũng kiểm tra, nhắc nhở các cửa hàng phải đảm bảo vệ sinh, giữ gìn môi trường. Các đoàn kiểm tra của phường, quận cũng đi kiểm tra thường xuyên và nhắc nhở các hộ kinh doanh”.

Nhưng khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc rau, rồi việc vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm tại các hàng ăn trong chợ thì bà Xuyến biện minh: “Chúng tôi không đảm bảo hết được mặt hàng các chủ quầy bán. Bếp ăn ở đây cũng lấy rau ở chợ cả đấy thôi”.

Theo các chuyên gia y tế, mùa hè là thời điểm dịch tiêu chảy cấp có nguy cơ bùng phát. Do đó các cơ quan chức năng cần có những biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người dân cũng phải đề cao cảnh giác và biết cách tự phòng ngừa dịch bệnh. Trong sinh hoạt hằng ngày cần phải ăn chín, uống sôi, đồng thời thực hiện đúng các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm để phòng dịch bệnh để làm sao đạt được kết quả tốt./.