Trước tình hình tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, tỉnh duy nhất của cả nước có cả bờ biển Đông và Tây là Cà Mau đang chịu tác động nặng nề về nạn sạt lở.

Tình hình sạt lở ven biển của tỉnh này ngày càng phức tạp, diễn ra rộng khắp trên cả 2 mặt bờ biển. Sạt lở không chỉ cuốn mất đất rừng mà còn lấy đi sinh kế, tác động tiêu cực đến đời sống bà con vùng ven biển.

sat_lo_vov_yllk.jpg
Tình hình sạt lở ven biển của Cà Mau vẫn diễn ra từ biển Đông sang biển Tây.

Lở từ Đông sang Tây

Gia đình ông Lê Minh Luân về sinh sống tại cửa biển Bồ Đề (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, Cà Mau) từ năm 2001. Khi đó, gia đình ông là một trong những hộ ở gần biển nhất nhưng cũng cách bờ biển Đông khoảng 200 mét. Vạt rừng phòng hộ phía sau nhà, giúp bà con chắn sóng gió cũng cách biển chừng ấy đến xa hơn, tùy đoạn. Vài năm trở lại đây, sóng biển cứ đánh hoài, lở miết đến nay cả xóm ông không ai là chưa phải dời nhà, chạy sạt lở.

Theo ông Luân, tình hình sạt lở bờ biển nghiêm trọng bắt đầu từ khoảng năm 2014. Cứ đến mùa gió chướng (mùa mưa, biển động) là người dân lại thấp thỏm sống cùng sạt lở. Trước đó, biển cứ lở rồi lại bồi nhưng nhiều năm nay chỉ lở không bồi, họ cũng chẳng biết tại sao lại như vậy. Bà con chỉ biết, chừng nào sóng đánh vào gần đến nhà thì họ dọn nhà, cuốn gói đồ đạc chạy. Trong vòng 3 năm nay, gia đình ông Luân đã 2 lần phải dời nhà.

Hiện toàn tỉnh Cà Mau có tổng chiều dài sạt lở bờ biển ở mức độ nguy hiểm trở lên là 105 km. Trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm là 65 km. Tình trạng sạt lở của tỉnh diễn ra ở cả biển Đông và biển Tây. Ở bờ biển Đông, bình quân sạt lở mất từ 45 – 50 mét/năm, có nơi sạt lở lên đến 100 m/năm. Còn tại bờ biển Tây, tình hình sạt lở mất khoảng 20 – 25 mét/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50 mét/năm. Thực trạng này không chỉ làm mất đất rừng phòng hộ ven biển mà còn làm nhiều hộ dân bị mất sinh kế, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khổ từ lớn đến nhỏ

Gia đình anh Trần Văn Quý (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) đã bám trụ tại vàm Rạch Miễu gần 20 năm rồi. Khoảng 10 năm trước, bờ biển Tây này cách vị trí nhà anh hơn 1 km. Người dân quanh đây, còn thực hiện nuôi tôm dưới tán rừng.

Một số giải pháp kè Cà Mau thực hiện đã giúp bảo vệ bờ biển, tái sinh rừng.

Nghề nuôi tôm cùng nghề biển là sinh kế để bà con có cuộc sống ổn định. Thời gian gần đây, sóng giữ đánh lở làm mất hết rừng phòng hộ phía ngoài, rồi mất luôn vuông tôm của người dân. Do bị mất sinh kế nên mấy chục hộ dân trong khu vực này lần lượt bỏ đi nơi khác, giờ chỉ còn hơn chục hộ cố gắng trụ lại. Cũng vì sạt lở mà chỉ trong vòng hơn 5 năm qua, gia đình anh Quý đã phải dời nhà 3 lần.

Vợ chồng anh Quý có 3 đứa con. Từ khi không còn nuôi tôm dưới tán rừng được nữa anh chỉ biết bám biển kiếm sống. Bao nhiêu vốn liếng tích lũy cũng tiêu tan theo những lần phải dựng lại nhà nên kinh tế gia đình ngày càng khó. Mấy đứa con của anh cũng lần lượt phải nghỉ học. Đau lòng nhất là đứa con gái út, khi đã 6 tuổi mà vẫn chưa được nhìn thấy “con chữ” nào ở lớp.

Anh Trần Văn Quý cho biết, hồi xưa không sạt lở, nuôi tôm được còn đỡ, bây giờ khổ quá phải chịu cho mấy con nhỏ nghỉ học.

“Đầu tiên nằm ở ngoài cây số ngoài. Bắt đầu sóng vô lở, mình dời vô thêm. Lở dô lúc nào mình dời lúc đấy. Trước thằng lớn học lớp 5 không có khả năng cho nó nghỉ, thằng con trai kế cũng cho nghỉ rồi. Bây giờ, còn đứa con gái nhỏ, 6 tuổi, kinh tế khó khăn quá nên không cho học”, anh Quý nói.

Cần trợ lực

Để khắc phục tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên, thời gian qua, từ nguồn vốn của trung ương và địa phương, tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục. Trong đó, địa phương này đã và đang xử lý xói lở nhiều vị trí xung yếu ven biển với tổng chiều dài hơn 28 km. Hiện còn lại hơn 36 km chưa được xử lý cần tiếp tục được đầu tư.

Nhiều đoạn đã uy hiếp chân đê phòng hộ.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi Cà Mau, thực trạng sạt lở ven biển Cà Mau rất nguy cấp. Một số đoạn bờ biển không còn đai rừng phòng hộ, sóng đánh trực tiếp vào thân đê. Nhiều đoạn khác uy hiếp khu dân cư nên rất cần triển khai các biện pháp hiệu quả để bảo về tính mạng, tài sản cho người dân.

“Trước diễn biến bất thường của thời tiết, nếu các đoạn sạt lở nghiêm trọng không có giải pháp bảo vệ hợp lý, trong mùa mưa bão năm nay nguy cơ vỡ đê rất là lớn. Từ đó, đề xuất UBND tỉnh, đề xuất các bộ ngành Trung ương sớm quan tâm hỗ trợ vốn để sớm có thể triển khai các giải pháp, không để vỡ đê”, ông Thanh Tùng nói.

Tác động của biến đổi khí hậu đã làm tình trạng sạt lở ven biển Cà Mau rất nan giải. Đã có rất nhiều diện tích rừng bị sóng biển cuốn đi, đã có rất nhiều người dân bị mất sinh kế và sẽ còn nữa những đứa trẻ nghèo phải nghỉ học, mất tương lai. Thực trạng sạt lở đã và đang có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống hàng chục ngàn hộ dân sống ven biển và trong vùng ngọt hóa Cà Mau. Địa phương này đã có những giải pháp để phòng chống, tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế thì rất cần sự hỗ trợ của Trung ương./.

Trong chuyến khảo sát tỉnh hình sạt lở ven biển tại tỉnh Cà Mau vào đầu tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Cà Mau đánh giá: vấn đề sạt lở bở biển của tỉnh Cà Mau là rất nghiêm trọng. Cùng với các nghiên cứu khoa học của Bộ, các nhà khoa học, nhiều năm qua tỉnh Cà Mau đã rất chủ động trong nghiên cứu các giải pháp để phòng, tránh sạt lở bờ biển. Các giải pháp tỉnh Cà Mau thực hiện đã đảm bảo được các mục tiêu như: thể hiện được tính bền vững; ngoài bảo vệ được bờ biển thì giải pháp kè đã gây được bãi, giúp rừng tự nhiên tái sinh. Vấn đề còn lại là kinh phí thực hiện thì cần phải tiếp tục nghiên cứu để có biện pháp thi công hợp lý, nhằm hạ giá thành xuống đến mức thấp nhất có thể.