Theo quy luật hàng năm, bắt đầu từ khoảng giữa tháng 6, nước ở thượng nguồn sông Mekong lại đổ về các tỉnh đầu nguồn khu vực ĐBSCL. Đây cũng là thời điểm Miền Tây bước vào mùa nước nổi.

Nước đầu nguồn đổ về mang nhiều lợi ích đối với người dân; ruộng đồng được tẩy rửa, bồi đắp thêm phù sa, đời sống của người dân được nâng lên nhờ khai thác những sản vật mùa nước nổi… Tuy nhiên, năm nay mặc dù đã gần hết tháng 8, nhưng nhiều con sông ở khu vực này nước vẫn ở mức rất thấp, người dân nơi đây ngóng trông con nước về để có thể mưu sinh.

Sông tại huyện An Phú.

Ông Nguyễn Văn Tòng, năm nay gần 70 tuổi, chuyên làm nghề đan lợp cá linh, ở ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú, một huyên đầu nguồn của tỉnh An Giang cho biết, người dân ở đây đã quen với cuộc sống mùa nước nổi. Mùa nước về kéo theo nguồn thủy sản tự nhiên rất dồi dào. Đây cũng được coi là nguồn thu nhập chính của nông dân trong mùa nước, nhất là đối với các hộ nghèo.

Ông Nguyễn Văn Tòng chia sẻ: “Ông bà xưa thường nói: “Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ”, hồi đó tháng 7 là sông ngập hết. Giờ đã tháng 8 vẫn chưa thấy nước đâu. Lạ lắm!".

Ông Nguyễn Văn Dân ở xã Phú hội, huyện An Phú, hơn hai mươi năm sống bằng nghề đan lợp để phục vụ ngư dân trong vùng cho biết, những năm trước đây, vào thời điểm này, ông đã bán được gần 2.000 lợp tôm, nhưng năm nay, lợp làm ra mà không ai mua. Đến thời điểm này, các cánh đồng vẫn chưa có nước tràn về. 

Những cánh đồng ở huyện đầu nguồn tỉnh An Giang vẫn chưa có nước tràn về.

Anh Lê Văn kiệt ở xã Phước Hưng, huyện An phú, mùa này gia đình anh thuê 6.000 m2 đất cồn trồng sắn (củ đậu) và bắp. Anh tranh thủ thu hoạch sớm, đồng thời chuẩn bị một số ngư cụ để đón mùa nước nổi năm nay sẽ có thu nhập khá, nhưng niềm hy vọng của anh chưa như mong muốn.

Anh Lê Văn kiệt chia sẻ: “Năm nay người trồng rẫy cũng thất thu. Nước không lên nên không đánh bắt được. Hiện giờ tôi phải đi làm thuê, vợ con đi cắt cọng sắn sống qua ngày".

Huyện An Phú là một trong những địa phương đầu nguồn lũ của tỉnh An Giang, với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là hơn 28.000 ha; hầu hết diện tích đất đều là đồng bằng, có nhiều diện tích đất thường bị ngập vào mùa nước nổi, nên hàng năm đất đai ở đây được bồi đắp thêm một lượng lớn phù sa rất lớn, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó còn mang nhiều nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Ông Nguyễn Thành Tâm, Phó phòng NN&PTNT huyện An Phú cho biết, vài năm trở lại đây, nước thượng nguồn đổ về thấp, nhất là mùa nước năm nay, nước không chỉ thấp mà còn trễ hơn nhiều năm trước; người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp và đánh bắt thủy sản mùa nước nổi. Năm nay nước thượng nguồn chưa về, có khả năng nước trễ và ở mức thấp, nên sản xuất nông nghiệp càng khó khăn hơn, nhất là các hộ dân sống nhờ vào mùa nước nổi.

Nhiều con sông nước vẫn trơ đáy.

Ông Nguyễn Thành Tâm cho biết: “Năm nay nước lũ lên trễ, thấp hơn so với năm trước; các làng nghề chuẩn bị ngư cụ để khai thác mùa lũ không còn nhộn nhịp như trước. Bà con chuyên khai thác thủy sản thì họ đã đi xứ khác làm ăn. Đối với nông nghiệp thì, năm nay sẽ xả lũ khu vực xã Phú Hữu, và cả khu vực bờ Tây; ngoài ra còn tăng cường trồng cây màu để giảm diện tích lúa hè thu”.

Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ, khu vực trung, hạ lưu sông Me Kong từ Kratie đến Prek kdam mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm từ 2.4-4.0m; Đầu nguồn sông Cửu Long tại An Giang mực nước vẫn còn chịu tác động mạnh của thủy triều. Mực nước cao nhất hiện nay tại Tân Châu là 1.74m; tại Châu Đốc là 1.80m, xấp xỉ mực nước cao nhất cùng kỳ năm 2019. Nhận định đỉnh lũ năm nay ở đầu ngồn sông Cửu Long ở mức xấp xỉ trên báo động 1; Mực nước sẽ đạt đỉnh vào những ngày cuối tháng 9 tới, tại Tân Châu là 3.50m; tại Châu Đốc là 3.00m.

Theo ông Nguyễn Kiệt, Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ, năm nay, khả năng sẽ không xuất hiện lũ lớn, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến khu vực ĐBSCL.

Sau đợt khô hạn vừa qua, người dân ở các tỉnh đầu nguồn khu vực ĐBSCL đang trông ngóng một mùa nước đẹp để thau rửa, bồi đắp phù sa đồng ruộng và cung cấp nguồn lợi thủy sản dồi dào… Tuy nhiên, đến nay đó vẫn chỉ là sự mong đợi của cư dân vùng đầu nguồn. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp người miền Tây ngóng lũ./.