Sáng nay (9/6), tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII báo cáo Thẩm tra dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, về khoản 2 Điều 36 quy định về việc chuyển đổi giới tính theo hướng: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này”.  

Đề cao quyền con người

Theo Ủy ban pháp luật, việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam...

img0286_wsmk_yxkl.jpg
 Người chuyển giới tham gia một sự kiện dành cho cộng đồng hồi tháng 5/2015 tại Hà Nội (Ảnh: iSEE)

Do đó, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Dự thảo Bộ luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan. Như vậy, nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ.

Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, giải trình rõ quy định này.

VềĐiều 40. Quyền xác định lại giới tính: Theo ông Phan Trung Lý, quy định như Dự thảo Bộ luật còn quá chung, khó áp dụng trong thực tiễn, cần có điều khoản dẫn chiếu giao cho Chính phủ hoặc Bộ Y tế hướng dẫn những trường hợp cụ thể về xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính. Về vấn đề chuyển giới, nhiều ý kiến đề nghị sử dụng thống nhất thuật ngữ “chuyển đổi giới tính” thay cho “chuyển giới”, việc chuyển đổi giới tính chỉ nên công nhận trong những trường hợp nhất định dựa trên các lý do về y học.

Ngành Y tế cần làm rõ các điều kiện về y, sinh học về chuyển đổi giới tính để vừa bảo vệ được quyền của người cần được chuyển đổi giới tính, bảo đảm được sự minh bạch, công khai về điều kiện chuyển đổi giới tính và để vừa tránh được sự lạm dụng trái pháp luật trong chuyển đổi giới tính.

Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi do Quốc hội đưa ra lấy ý kiến người dân về vấn đề chuyển giới có 2 phương án. Thứ nhất không cho phép, không thừa nhận chuyển đối giới tính tại Việt Nam như lâu nay vẫn đang thực hiện. Thứ hai là trong một số trường hợp đặc biệt thì có thể thực hiện việc chuyển đổi giới tính, được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định theo phương án 2. Lý do:Nếu pháp luật cho phép cá nhân chuyển giới, những cái mất sẽ không nhiều (có chăng là sẽ mất đi những tư duy cũ về vấn đề này). Ngược lại, những cái được sẽ rất lớn. Đó là, cả xã hội sẽ nhìn nhận vấn đề chuyển giới tính cực hơn, sự kỳ thị và định kiến đối với họ rồi sẽ không còn.

Kết quả là sẽ tạo ra được môi trường xã hội tích cực, giúp cho những người chuyển giới tự tin, yên tâm và tin tưởng vào chế độ ưu tiên của Nhà nước ta và từ đó giúp họ quyết tâm đóng góp sức lao động để xây dựng cuộc sống, xây dựng gia đình và xã hội.

Về mặt kinh tế, tình trạng “chảy máu tiền tệ” sẽ được ngăn chặn, bởi vì những người chuyển giới sẽ yên tâm thực hiện việc này tại các bệnh viện trong nước và Việt Nam sẽ có những bệnh viện với những trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ các bác sĩ giỏi về lĩnh vực này. Đây cũng là một kênh thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài để hiện đại hóa bệnh viện.

Nếu pháp luật thừa nhận việc chuyển giới trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thì có nghĩa là pháp luật Việt Nam đã mở rộng quyền nhân thân của cá nhân, sẽ không còn sự phân biệt đối xử với những người này và pháp luật thật sự bảo vệ quyền lợi cho một số ít là các cá nhân đang ở vào thế yếu.

Điều này cũng có nghĩa là các nguyên tắc quy định tại Điều 3: “Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người..., mọi người có điều kiện phát triển toàn diện” và tại Điều 16: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” của Hiến pháp năm 2013 sẽ cụ thể hóa và sẽ được áp dụng thật sự trong cuộc sống.

Cá nhân có quyền xác định lại giới tính

Ông Phan Trung Lý cho biết thêm: Tiếp thu ý kiến Nhân dân, đồng thời để bảo đảm vị trí, vai trò luật chung của BLDS, dự thảo Bộ luật Bộ luật (Điều 36) quy định: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính; việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật; người đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch cho phù hợp với giới tính của mình và có các quyền nhân thân khác phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Việc chuyển đổi giới tính là một nhu cầu có thật của một bộ phận người dân, trong khi đó, pháp luật Việt Nam chưa cho phép nên một số người đã ra nước ngoài để thực hiện việc chuyển đổi giới tính, khi về nước họ không được thay đổi hộ tịch và do đó, gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế để duy trì giới tính mới, cũng như trong cuộc sống, công tác và thực hiện các quyền dân sự khác có liên quan.

Do vậy, bên cạnh việc quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì Bộ luật dân sự cũng cần có quy định để giải quyết hậu quả pháp lý phát sinh từ việc chuyển đổi giới tính nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của người đã chuyển đổi giới tính./.