Những đứa trẻ bại não được chăm sóc tại Mái ấm Phan Sinh |
Tiếng hát trong trẻo, thơ ngây của em Bùi Văn Đen, 6 tuổi, là âm thanh yêu đời hiếm hoi mà ông Bùi Văn Châu nghe được ở chính ngôi nhà của mình. Bởi vì, những đứa bé ông đang cưu mang, em bị bại não, đứa thì khuyết tật nặng, tâm thần, mắc hội chứng Down… nên việc dạy cho các bé hát được là điều rất khó khăn. Phần lớn những đứa trẻ ở đây đều phải cột dây để không la hét, quậy phá.
Hầu hết các em đều từng bị bỏ rơi được ông đưa về nuôi, hoặc do người dân đưa đến mái ấm khi phát hiện chúng lang thang ngoài đường. Có nhiều trường hợp do gia đình đưa trẻ đến gửi gắm và rồi…không bao giờ quay trở lại, trong khi chưa kịp đặt tên con.
Thương cho những mảnh đời bất hạnh vừa khuyết tật về thân thể, vừa thiếu thốn về tình cảm, ông khai sinh cho những đứa nhỏ được mang họ Bùi như con của ông, như Bùi Văn Đen, Bùi Thị Ngân, Bùi Văn Hòa…Đến nay đã có gần 20 người con mang họ Bùi của ông.
Trong số 70 người hiện đang được nuôi dưỡng tại Mái ấm Phan Sinh, có 54 đứa trẻ khuyết tật và 16 cụ già neo đơn, bệnh tật; trong đó, hơn một nửa là không thể tự phục vụ được. Mọi việc từ ăn uống, vệ sinh cho những người khuyết tật, ông Châu và 4 người tình nguyện phải đảm trách. Nhiều hôm có người đau ốm, ông lại đích thân đưa đi bệnh viện và tự lo viện phí.
Ông Trần Văn Phú, 66 tuổi, bị liệt nửa người do tai biến, được chăm sóc ở Mái ấm Phan Sinh đã 3 năm nay chia sẻ: “Thầy Châu đối xử với chúng tôi rất tốt. Thầy là đàn ông và cũng lớn tuổi rồi, nhưng thầy vẫn chăm sóc mọi người rất chu đáo, tôi cảm thấy cuộc đời mình rất có phước khi được thầy và cô ở đây chăm sóc trong lúc bệnh tật, đơn chiếc. Tôi mong sẽ sớm bình phục để ra đời làm ăn trở lại”.
Thầy Châu đi xin cơm thừa về bán cho người chăn nuôi để có thêm tiền nuôi dưỡng những người bất hạnh |
Một ngày mới thường bắt đầu với thầy Bùi Văn Châu từ 4-5 giờ sáng. Trên một chiếc xe máy cũ, ông đi đến các chợ đầu mối, chợ đêm xin rau củ và thực phẩm, kiếm kế nuôi những đứa trẻ tật nguyền. Ông kể: “Món nào còn tươi, ngon thì để cho các em nó ăn. Món nào không ăn được thì bán cho người ta nuôi heo. Ngoài ra, các buổi trưa tôi đi mót cơm thừa ở các quán cơm, phân xưởng về bán lấy thêm tiền nuôi bọn trẻ”.
Những khoản thu nhập nhỏ từ việc xin cơm thừa, canh cặn về bán không đủ để trang trải cuộc sống cho chừng ấy con người trong mái ấm. Ông cho biết, mỗi tháng chi tiêu tiết kiệm nhất cũng xấp xỉ 50 triệu đồng, trong đó chủ yếu là tã và bỉm cho những người không thể tự phục vụ. Không phụ thuộc vào nguồn tài trợ của các mạnh thường quân, ông chủ động phát triển chăn nuôi. Tại khu vườn của Mái ấm Phan Sinh, ông Châu thả gà, nuôi ếch, nuôi cá, vừa tự cung tự cấp thực phẩm, vừa kiếm thêm thu nhập lo cho mái ấm. Mỗi năm, ông cũng có thu nhập trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, vào những buổi tối, ông Bùi Văn Châu lại đi dạy kèm Anh văn cho các nhóm học trò ở thị trấn Trảng Bom để kiếm thêm chi phí chăm lo cho những đứa con bất hạnh của mình.
Nói về ông Bùi Văn Châu, chị Đỗ Thị Niềm, người tình nguyện vào giúp việc cho Mái ấm Phan Sinh cho biết: “Thầy là một người tốt. Thầy có gia đình nhưng không nghĩ đến gia đình mà đi lo cho các em”.
16 năm thành lập nhưng Mái ấm Phan Sinh mới được cấp phép là cơ sở bảo trợ xã hội được một năm nay. Biết bao khó khăn, không ít kỷ niệm buồn vui đã đong đầy khiến ông không thể rời bỏ mái ấm này để đoàn tụ cùng vợ con đang định cư ở Mỹ. Nhiều năm trôi qua, ông không còn nhớ khuôn mặt những con người đáng trách, là cha mẹ, người thân của các mảnh đời bất hạnh đã đưa núm ruột của họ đến đây và bước đi vĩnh viễn. Ông chỉ còn nhớ đến những đôi mắt vô định khi gặp ông, chúng cần lắm tình yêu thương của người cha - người thầy Bùi Văn Châu, cần lắm sự chia sẻ từ cộng đồng..../.