Theo báo cáo Chỉ số hài lòng người bệnh đánh giá chất lượng phục vụ khám chữa bệnh ở Việt Nam, do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp cùng Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam thực hiện, tiêu chí Nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,58/5).

Một bệnh nhân tham gia khảo sát cho biết: “Nhà vệ sinh bệnh viện không được sạch sẽ lắm, rác để trong nhà vệ sinh nên rất khó chịu”.

Còn theo một người nhà bệnh nhân tại khoa sản thì thẳng thắn chia sẻ, nhà vệ sinh kém, quá kém, cả khoa sản có 2 phòng vệ sinh, tắm chung ở đó luôn. Hơi bất tiện và phải đi xa.

vov_nguoi_benh_da_sua_jseq.jpg
Người bệnh hài lòng nhất là khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh. (Ảnh: minh họa)

Ông Nguyễn Văn Khuỳnh (quê ở Lâm Đồng) ra Hà Nội chữa bệnh tim mạch gần 1 tháng nay cho biết, trong bệnh viện đã có nhiều khu vệ sinh, nhưng nhìn chung vẫn còn bẩn, giấy vệ sinh, rác vứt lung tung, buổi chiều không có người thu dọn, mùi hôi bốc lên, rất khó chịu.

Kết quả khảo sát này cũng cho thấy, cùng với tiêu chí nhà vệ sinh bệnh viện, lĩnh vực chi phí khám, chữa bệnh và chất lượng giường, chăn, ga, gối, đệm cũng có chỉ số hài lòng thấp.

Kết quả khảo sát đã thực sự toàn diện?

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Chỉ số hài lòng của người bệnh được tiến hành thí điểm thông qua khảo sát độc lập với sự tham gia của gần 3000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện dựa trên danh sách gần 140.000 bệnh nhân nội trú ở 29 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Tại hội thảo Công bố báo cáo Chỉ số hài lòng người bệnh, diễn ra chiều 27/3, có ý kiến cho rằng, kết quả khảo sát này chưa được toàn diện, vì mới chỉ khảo sát trong phạm vi là những bệnh nhân nội trú mà chưa khảo sát số lượng bệnh nhân ngoại trú. Bên cạnh đó, hình thức khảo sát mới chỉ tập trung qua điện thoại mà chưa thể hiện ở một số hình thức khác.

Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, đại diện Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam cho biết, việc công bố chỉ số hài lòng của người bệnh chưa đầy đủ vì mới chỉ khảo sát tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, mà chưa có sự tham gia của các bệnh viện tuyến Trung ương.

Khảo sát để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế

Bộ Y tế cho biết, lắng nghe phản hồi của người sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế là một cách tiếp cận quan trọng với nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay ở các nước phát triển, khảo sát hài lòng người bệnh mang tính bắt buộc và được tiêu chuẩn hóa, áp dụng đồng bộ tại các bệnh viện công trong toàn quốc.

Bộ Y tế là một trong những Bộ tiên phong xây dựng và thể chế hóa hệ thống đánh giá chất lượng bệnh viện nói chung, thu nhận phản hồi từ người dân sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh nói riêng trong những năm gần đây.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, việc khảo sát, đánh giá chỉ số hài lòng của người bệnh cần phải được làm thường xuyên, định kỳ. “Đây chính là cơ sở để Bộ Y tế, ngành y tế các địa phương đánh giá chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện. Thời gian tới, các bệnh viện tuyến trung ương sẽ phải tham gia, thậm chí cả các trạm y tế xã, y tế cơ sở, vì chúng ta đang hướng tới y tế cơ sở”- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết việc công khai kết quả khảo sát sẽ giúp tăng cường trách nhiệm của các bệnh viện công, minh bạch về chất lượng khám chữa bệnh và thực hiện công tác giám sát của người dân.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, đại diện Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam cho rằng, hy vọng trong thời gian tới các bệnh viện tuyến trung ương sẽ tích cực tham gia vào chương trình khảo sát. Như vậy kết quả đưa ra công bố sẽ có sức thuyết phục, toàn diện hơn, mới thực sự đánh giá được chỉ số hài lòng của người bệnh./.