Chiều 24/10, tại cuộc giao ban thông tin báo chí Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, trước thực trạng hàng rong trái cây không nguồn gốc xuất xứ, sử dụng hoá chất quá liều, hoá chất cấm… không thuộc danh mục được phép sử dụng, người tiêu dùng có thói quen dễ dãi không chú trọng đến xem xét nguồn gốc xuất xứ nguồn gốc hàng hoá nên vẫn mua trái cây ở các hàng rong, các nơi không đủ điều kiện…
Trước thực trạng trên, UBND Thành phố đã phê duyệt Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn các quận nội thành. Mục tiêu trong năm 2017 đạt 60%, hết năm 2018 đạt 100% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành có đăng ký kinh doanh; có biển hiệu nhận diện và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây đảm bảo chất lượng...
Theo đó, các cửa hàng kinh doanh trái cây phải đảm bảo 4 nhóm điều kiện: điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm; điều kiện nhân lực; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kinh doanh; điều kiện nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hoá trái cây.
Theo Đề án này các cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện An toàn thực phẩm và cam kết bảo đảm An toàn thực phẩm. Một trong những quy định pháp luật đáng chú ý về điều kiện nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hoá trái cây. Đó là: trái cây được kinh doanh bày bán phải nguyên vẹn; bề mặt không thâm thối, không ủng mốc, đảm bảo tiêu chí về tồn dư hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, độc tố, vi sinh…
Đối với trái cây nhập khẩu, phải có Giấy chứng nhận kiểm tra ATTP. Khuyến khích ghi nhãn hàng hoá để bảo đảm bảo việc nhận diện, truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Với trái cây biến đổi gen hoặc qua chiếu xạ phải có cụm từ biến đổi gen hoặc thực phẩm đã qua chiếu xạ. Hoá đơn, chứng từ mua, bán trái cây của cửa hàng phải được lưu trữ tối thiểu 6 tháng. Trái cây sơ chế đóng gói phải ghi rõ thông tin về cơ sở sơ chế, đóng gói. Khuyến khích dãn nhãn QR, tem trên bao bì mặt hàng trái cây phục vụ việc truy xuất nguốn gốc trái cây bằng thiết bị di động.
Đề án cũng quy định rõ cửa hàng mua trái cây nhập khẩu phải mở sổ theo dõi thông tin về đơn vị nhập khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra ATTP trái cây nhập khẩu. Trường hợp trái cây đã qua sơ chế, đóng gói phải đảm bảo rõ thông tin về cơ sở sơ chế, đóng gói. Có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của trái cây (hoá đơn tài chính của doanh nghiệp bán, bản photo tờ khai nhập khẩu của lô hàng). Mỗi lô trái cây mua vào phải nhập dữ liệu thông tin về tên, địa chỉ, mã vạch của cơ sở cung cấp.
Trái cây phải thông tin đầy đủ nguồn gốc xuất xứ. |
Mỗi lô trái cây mua về phải được mở sổ theo dõi, lập dữ liệu thông tin địa chỉ cung cấp, chứng minh thư của người cung cấp…
Trường hợp mua trái cây từ các đơn vị có giấy chứng nhận VietGap hoặc Globagap thì phải có kèm Giấy chứng nhận trên còn hiệu lực.
Đối với trái cây bán ra cửa hàng phải lập cơ sở dữ liệu trái cây bán ra.
Trường hợp người bán trực tiếp không đáp ứng được các quy định trên theo quy định của Thông tư 78 thì người mua có quyền yêu cầu người bán hàng xuất trình chứng minh thư nhân dân; giấy biên nhận giữa người mua và bán, trong đó có đầy đủ thông tin hộ tên, số chứng minh thư nhân dân.
Ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nộ cho biết, tiến hành kiểm tra siêu thị quản lý thị trường quan tâm kiểm tra đến số lượng trái cây hết hạn sử dụng và việc xử lý tiêu huỷ như thế nào. “Chúng tôi không phát hiện tồn dư chất độc hại trên trái cây tại các siêu thị”, ông Lộc cho biết.
Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho biết, thời gian triển khai đề án từ tháng 8/2017 đến tháng 2/2018 sẽ tập trung vào kiểm tra, hướng dẫn để các cửa hàng kinh doanh hoàn thiện các điều kiện theo quy định; từ tháng 3/2018 sẽ kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm./.
Chuyện lạ, chợ hoa quả Dương Liễu mới xây 2 năm xã muốn đập đi xây mới