Hàng vạn ngư dân đánh bắt trên biển, cách xa cơ sở y tế thường xuyên gặp tai nạn thương tích, nguy hiểm rình rập. Thời gian qua, ngư dân đã yên tâm hơn khi có sự hỗ trợ giúp đỡ kịp thời của các lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên biển.

cang-ca-tho-quang.jpg
Tại âu thuyền cảng cá Thọ Quang-tàu cá vẫn tấp nập ra vào bến

Ngày 5/4 vừa qua,Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2-Đà Nẵng nhận được thông tin từ tàu cá ĐNa 90255 TS do ông Nguyễn Văn Dũng trú tại tổ 24, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng làm Thuyền trưởng báo tin, tàu đánh bắt trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa thì thuyền viên Trần Thạnh bị tê liệt không cử động được, khó thở. Ngay lập tức Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã điều tàu cứu nạn SAR412 ra vùng biển Đà Nẵng cách bờ khoảng 350 hải lý về hướng Đông Đông Bắc, tiến hành đưa nạn nhân sang tàu cứu nạn để bác sĩ cấp cứu giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Tàu cá ĐNa 90 499 của ngư dân Trương Công Chơi chuẩn bị chuyến biển mới

Ông Trương Công Chơi, ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng thuyền trưởng tàu cá ĐNa-90-499 kể lại, mới đây, khi đang hành nghề trên biển, bạn thuyền Nguyễn Văn Cường bị rơi từ giàn phơi mực xuống boong gãy tay nhưng đã được các bác sĩ hướng dẫn sơ cứu kịp thời, băng bó lại, rồi gửi tàu bạn đưa về. Trường hợp bị nặng Trung tâm sẽ cho tàu ra cứu.

Trên đây là hai trong số hàng trăm vụ tai nạn, thương tích trên biển được các đơn vị chức năng trên bờ cấp cứu hoặc hướng dẫn cấp cứu kịp thời. Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 Đà Nẵng cho biết: “Những ngày này, Trung tâm luôn sẵn sàng lực lượng và phương tiện để ra khơi tham gia cứu nạn khi cần thiết. Nếu được lệnh điều động của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm sẽ điều động tàu xuất phát lên đường ra khu vực Trung Quốc đang đặt giàn khoan Hải Dương-981. Trên tàu có đầy đủ các dụng cụ y tế, có các bác sĩ của Trung tâm và bác sĩ 115 cùng đi theo”.

Thuyền trưởng Trần Văn Hát-tàu cá QNg 92266 yên tâm ra khơi.

Ngư dân Trần Văn Hát, ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, thuyền trưởng tàu cá QNg -92266 cho biết các anh rất yên tâm khi đánh bắt trên biển, trường hợp gặp tai nạn lao động, hay các vấn đề về sức khỏe nguy cấp, các anh có thể điện trực tiếp vào bờ để được hướng dẫn.

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV tại thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Ngành y tế đã và đang tiếp tục đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển bằng cách hỗ trợ nhiều túi thuốc, trong đó có những loại thuốc thiết yếu, dụng cụ cần thiết giúp đỡ ngư dân. Hiện nay ngành y tế đang nghiên cứu thiết kế những túi thuốc tiện lợi hơn hỗ trợ bà con ngư dân kịp thời sơ cấp cứu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong chương trình y tế biển đảo do Bộ Y tế tham mưu đã được Chính phủ phê duyệt, sắp tới sẽ có thêm nhiều túi thuốc cơ động như vậy giúp bà con ngư dân yên tâm đánh bắt xa bờ

Trong tương lai sẽ có nhiều túi thuốc tiện lợi như thế này hỗ trợ ngư dân

Trong tương lai, các nguồn ngân sách cũng như xã hội hóa sẽ triển khai chương trình túi đựng các dụng cụ y tế sơ cấp cứu để hỗ trợ cho ngư dân. Bộ Y tế cũng kêu gọi cán bộ toàn ngành y tế ở các vùng, các tỉnh dọc theo vùng biển cũng như y tế của các địa phương và trung ương giúp đỡ ngư dân đi biển cũng như lực lượng đang bảo vệ cho người dân đánh bắt xa bờ.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Tai nạn xảy ra trên biển là rủi ro mà ngư dân luôn đối mặt khi hành nghề xa đất liền, xa các cơ sở y tế. Sự quan tâm đặc biệt của ngành y tế và các cơ quan tìm kiếm cứu nạn đã và đang đồng hành với ngư dân trong những chuyến vươn khơi, bám biểm, giữ vững ngư trường truyền thống của Việt Nam”./.