Gần 20 năm theo nghề biển, chưa khi nào ông Như sử dụng các phương tiện hủy diệt để khai thác thủy sản nhằm mang lại một chút lợi ích cho cá nhân. Ông luôn là thành viên tích cực của Tổ dân quân xung kích trên biển xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh trong việc hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển và vận động người dân khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
15 tuổi ra khơi
Sinh ra tại làng quê nghèo ven biển, xóm Hoa Thành, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Như bắt đầu khai thác hải sản trên biển ở tuổi 15, cái tuổi mà mọi đứa trẻ đang mang sách tới trường với bao ước mơ hoài bão khác nhau. Năm 1983, nghe tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Văn Như tình nguyện gia nhập quân ngũ để bảo vệ Tổ quốc. Ba năm sau, trở về quê hương, ông lại quay với nghề khai thác thủy sản truyền thống của địa phương với mức vốn đầu tư ban đầu chỉ vẻn vẹn chưa đến 1,5 triệu đồng để mua sắm con thuyền khai thác hải sản công suất 12CV làm nghề câu tay ven bờ kết hợp ánh sáng.
Phương châm sản xuất của ông Như là khai thác gắn với bảo vệ tái tạo nguồn lợi thủy sản và góp phần giữ gìn an ninh trên biển. Theo đó, vừa sản xuất tích lũy kinh nghiệm, ông vừa tìm cách đổi mới công nghệ khai thác phù hợp ngư trường, nguồn lợi và nhu cầu sản phẩm, liên kết với các tàu bạn tìm cách hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như an toàn tàu cá trên biển. Từ năm 1987 đến nay, thu nhập của các thành viên đội tàu khai thác hải sản do ông làm chủ không ngừng tăng.
Tích lũy vốn liếng, ông từng bước đầu tư nâng cấp tàu thuyền. Năm 1990, ông đầu tư tàu cá công suất 24CV làm nghề câu tay ven bờ với 7 lao động, năm 1994 là tàu công suất 48CV làm nghề vó ánh sáng với 12 lao động, đến năm 2000 chuyển sang nghề câu tay. Năm 2009, ông đầu tư đóng mới tàu cá 56CV làm nghề câu tại vùng biển Bạch Long Vỹ, với 7 lao động trên tàu, tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 60 tấn sản phẩm, trị giá gần 1 tỷ đồng, thu nhập bình quân lao động đạt 80 – 90 triệu đồng/năm.
Thấy rõ hiệu quả của việc hợp tác, liên kết làm ăn trên biển, năm 2008, ông Như tham gia Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển Thịnh Phát với số thành viên ban đầu gồm 6 tàu cá công suất từ 30CV – 60CV và 38 lao động. Các thành viên đã đoàn kết xây dựng và thực hiện tốt Điều lệ Tổ hợp tác. Nhờ vậy, hiệu quả sản xuất của Tổ không ngừng tăng lên, 6 đội tàu có tích lũy, mạnh dạn đầu tư nâng cấp hoặc thay mới tàu cá lớn hơn, vững chắc hơn cho phép vươn khơi xa, mở rộng ngư trường khai thác.
Với số tiền tích lũy được từ khai thác hải sản kết hợp với các chính sách hỗ trợ phát triển khai thác thủy sản của chính quyền các cấp, ông Như mạnh dạn đầu tư 1,3 tỷ đồng đóng mới tàu cá công suất 230CV làm nghề câu khơi kết hợp lồng bẫy. Dự kiến đầu tháng 10/2012 sẽ xuất hành chuyến biển đầu tiên.
Cả nhà làm nghề biểnHiện nay, gia đình ông Như có ba đội tàu đánh bắt hải sản, ngoài chiếc tàu của mình, ông Như còn hỗ trợ hai cậu con rể đầu tư mua sắm hai tàu cá làm nghề câu khơi, trong đó 01 chiếc có công suất 135CV, 01 chiếc công suất 60CV. Kể về công việc của mình, ông Như chia sẻ: “Tôi thường xuyên ghi nhật ký khai thác, nắm bắt đặc điểm sinh lý của các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, để từ đó nghiên cứu cải tiến ngư cụ, tổ chức sản xuất và thay đổi phương thức khai thác hợp lý đảm bảo tái tạo nguồn lợi thủy sản.”
Sau hơn 20 năm lao động trên biển, ngoài việc tập trung phát triển sản xuất, ông Như luôn là người đi đầu trong việc chấp hành các quy định của nhà nước và địa phương về hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Những ngư dân của làng biển Thạc Kim nhận xét: “Trong suốt chừng ấy năm lao động trên biển chưa khi nào ông Như sử dụng các phương tiện hủy diệt để khai thác thủy sản nhằm mang lại một chút lợi ích cho cá nhân. Ông luôn là thành viên tích cực của Tổ dân quân xung kích trên biển xã Thạch Kim hỗ trợ ngư dân trên biển”. Nhờ vậy, từ khi khởi nghiệp đến nay, ông Nguyễn Văn Như luôn là người dẫn đầu về khai thác thủy sản trên địa bàn và hàng năm được UBND xã Thạch Kim tặng giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong ngành kinh tế thủy sản.
Tích cực trong cứu tàu, cứu người
Không thể kể hết những lần ông và các thành viên trong Tổ vượt khó, hỗ trợ lai dắt các tàu thuyền bị nạn vào bờ an toàn. Năm 2012, bất chấp điều kiện sóng gió trên biển cấp 7, cấp 8, tàu cá của ông vẫn vượt qua sóng gió lao mình cứu giúp các tàu cá khác đang bị nạn trên biển vào bờ an toàn. Trước hành động dũng cảm, đầy trách nhiệm với cộng đồng, ông đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND xã Thạch Kim tặng bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2012”. Trong mắt các bạn thuyền, ông luôn là tấm gương ngư dân mẫu mực, tiêu biểu của hoạt động nghề cá vùng biển Cửa Sót, Thạch Kim./.