Những thôn, xóm mang dáng dấp phố thị, những ngôi nhà rực rỡ sắc màu... dẫu đẹp nhưng những lão nông trong những ngôi nhà ấy nào thấy vui. Giữa phố núi với đường rộng, nhà mái bằng, mái ngói xênh xang, bên những vật dụng hiện đại, đắt tiền, họ lại nuôi một ước mơ giản dị: Lại được làm lão nông thực thụ. Bởi, đằng sau cuộc sống mới nơi tái định cư còn biết bao nỗi lo. Đó là thực tế đang diễn ra tại nhiều xã thuộc huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Mất đất, thất nghiệp

Những năm gần đây, Hà Tĩnh là một trong những địa phương phát triển mạnh các khu công nghiệp, khu kinh tế, kéo theo một diện tích không nhỏ đất nông nghiệp bị chuyển đổi. Một trong những dự án lớn nhất được triển khai là Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương do Tập đoàn Formosa của Đài Loan đầu tư. Để triển khai dự án này, 3.500ha đất của 5 xã: Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long và Kỳ Thịnh (huyện Kỳ Anh) sẽ bị thu hồi. Một cuộc di dân tái định cư thế kỷ sẽ được triển khai. Nhưng vấn đề việc làm, đời sống của 10 nghìn nông dân sẽ ra sao khi di chuyển đến các khu tái định cư lại là câu hỏi không dễ trả lời.  

Cách trung tâm huyện chừng 2km, khu tái định cư xã Kỳ Lợi ngổn ngang như một đại công trường. Trên những trục đường đất mới mở, đỏ quạch những lốc bụi, lác đác những ngôi nhà, quán xá cũng bắt đầu mọc lên. Xung phong đi đầu trong tổng số hơn 240 hộ thuộc diện phải di dời của xã Kỳ Lợi, chị Nguyễn Thị Thanh không mường tượng được cuộc sống khu tái định cư lại khó khăn đến thế. Đã gần 2 tháng trôi qua nhưng gia đình chị vẫn ở trong mái nhà tạm bợ bởi giá vật liệu quá đắt đỏ. Bức xúc nhất vẫn là vấn đề công ăn việc làm. Để kiếm sống qua ngày, chị Thanh mở một quán rượu, ngày cũng được vài bận người mua. Nhưng chị vẫn không giấu nổi lo lắng: “Trước tôi làm ruộng, chồng đi biển, tháng cũng kiếm được 4-5 triệu. Lên đây, chẳng có nghề chi, chỉ biết mở cái quán ni, khách ngày được mấy người mô, chỉ là kiếm đồng ra đồng vào, chợ búa chứ biết răng bây chừ...”.

Lên khu tái định cư, sau một hồi thăm thú, anh Hoàng Thuận, thôn Tân Phúc Thành 1, xã Kỳ Lợi quay trở về với cái lắc đầu ngao ngán. Với những ngư dân vùng biển như anh, quanh năm vẫy vùng với biển trời, sóng nước, giờ đây lên khu tái định cư xây dựng dưới chân núi Hoành Sơn, quanh quẩn với 400m2 đất, với anh chẳng khác nào cá mắc cạn. Nghĩ đến việc mai này phải rời xa biển cả, anh Thuận không khỏi đau lòng: “Nghề bao đời cha ông truyền lại chừ lên núi biết làm chi. Trước tôi đi biển được 600 - 700 ngàn mỗi tuần, mai này lên đây làm cả tháng không biết có đủ nuôi vợ con trong 1 tuần không?”.

Cách Quốc lộ 1A chừng 400m, khu tái định cư của xã Kỳ Liên giờ đã nên hình nên dáng. Ngôi nhà của những lão nông cũng rạng rỡ, lộng lẫy sắc màu phố thị. Đã hơn 3 tháng trôi qua nhưng ông Nguyễn Tiến Cung, thôn Liên Sơn vẫn tất bật với việc chỉnh trang cho ngôi nhà. Cũng phòng ốc ngang dọc, tiện nghi hiện đại, cũng tràng kỷ đẹp mắt, ông Cung cho biết tiền đền bù được 500 triệu, đầu tư vào nhà cửa cũng gần hết. Dẫu ở nhà cao cửa rộng, dẫu đèn điện, đường xá của phố núi chẳng khác là mấy so với phố huyện, thế nhưng ông Cung vẫn không thấy vui. Đã bao đời, cha truyền con nối, ông Cung cũng như con cháu gắn bó với mảnh ruộng, với nghiệp nhà nông. Hướng ánh nhìn xa xăm, ông kể với tôi chuyện đồng áng, chuyện vụ mùa được mất, chuyện chăn nuôi rủi may, mới cách đây chỉ ít tháng thôi nhưng nghe mà thấy xa tít tắp. “Nghỉ hưu non” với nông nghiệp, mai này, khi hoàn tất căn nhà, ông Cung cũng tính toán sẽ đi làm thuê, làm mướn ở đâu đó. Nhưng điều mà ông đau đáu, lo lắng nhất chính là vấn đề việc làm cho con cái, cho lớp trẻ với gần 700 lao động trong độ tuổi của “phố núi”. Nguyễn Quốc Hoan, con trai ông năm nay 20 tuổi, thất nghiệp dài dài: “Em đã học nghề lái xe tải, có bằng gần 1 năm nay rồi nhưng vẫn chưa có việc”.

… Và những hệ lụy

Mất đất, người nông dân được khoản đền bù đáng kể. Có những hộ lên tới cả tỷ đồng, số tiền mà có lẽ nhiều gia đình nhà nông có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. “Choáng” trước số tiền quá lớn, một trào lưu mua sắm hình thành. Sắm nhà, tậu xe, đổi điện thoại đời mới, mua các vật dụng hiện đại. Khi cơn bão mua sắm qua đi, tiền nong đã vơi đi phần nhiều, thậm chí tay trắng, cùng với nỗi lo không có việc làm, giờ những người dân phố núi đang phải đối mặt với những nỗi lo khác.

Từ sáng sớm, quán bi-a của gia đình ông Hoàng Thế Song ở thôn Hoành Sơn đã có vài lượt thanh niên vào chơi. Tay trái đeo găng đen, nheo mắt ngắm và thúc mạnh cây gậy vào quả bóng một cách điệu nghệ, Trần Văn Vinh, 18 tuổi, nghêu ngao hát một bài nhạc sến và reo lên sung sướng khi 2 trái bóng đều trúng đích. Vừa “diễn” những đường bóng đẹp mắt, Vinh vừa hồn nhiên trò chuyện với tôi:  “Em á, chẳng làm chi cả, chỉ đi chơi thôi, ngày chơi 6 tiếng, mỗi tiếng 10 tiền (10 ngàn đồng). Chơi răng lại chán, em thấy hứng thú với bi-a. Em chẳng thích đi làm, tiền nhiều rồi làm làm chi nữa...”.

Không chỉ chối bỏ lao động, suốt ngày lêu lổng chơi bời mà những thanh niên ở Kỳ Liên cũng bắt đầu có biểu hiện sa vào những tệ nạn xã hội. Nỗ lo đó đang trĩu nặng trên gương mặt của những bậc làm cha, làm mẹ.

Khi dự án bắt đầu triển khai, một loạt các giải pháp nhằm giải quyết việc làm cho người dân bị ảnh hưởng ở các vùng dự án đã được xây dựng. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Tỉnh có những chính sách cụ thể cho từng độ tuổi. Với lớp thanh niên, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động huyện Kỳ Anh phối hợp với nhiều trường dạy nghề về tuyên truyền, định hướng cho người dân đi học nghề ở các trường trung cấp của tỉnh, với các nghề như hàn xì, điện, lạnh, lái xe… để mai này có thể phục vụ cho khu công nghiệp. Đối với lao động trong độ tuổi 40 - 55, có thể tham gia lao động phổ thông tại các nhà máy và dự án chăn nuôi, trồng rau sạch ở hồ Tào Voi (Kỳ Thịnh, Kỳ Anh).

Chỉ có khoảng 20% nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích vì người dân cũng không biết chuyển đổi ngành nghề gì cho phù hợp. Hơn nữa, chỉ với 5 triệu  đồng làm sao có thể chuyển đổi được nghề. Ngay như hiện nay, xã có 50 con em đã học nghề xong, cầm bằng này, chứng chỉ kia nhưng đã có việc chi mà làm. (Ông Nguyễn Hồng Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Mặc dù có rất nhiều giải pháp song tất cả đều ở “thì” tương lai. Chính vì vậy, tại Kỳ Anh vấn đề công ăn việc làm ở những xã bị thu hồi đất vô cùng bức xúc, nhiều khi đi vào bế tắc. Chẳng hạn, mỗi người dân mất đất không có việc làm được hỗ trợ 5 triệu đồng để chuyển đổi nghề tiền được giao đến tận tay người lao động, song cầm 5 triệu đồng trên tay, nhiều người không biết xoay xở thế nào. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều phiên giao dịch việc làm, nhiều doanh nghiệp, đơn vị, trường dạy nghề… nỗ lực tìm kiếm các giải pháp giải quyết việc làm cho người dân. Nhưng đấy chỉ là tương lai xa. Theo tính toán, khi dự án của Tập đoàn Formosa hoàn thành sẽ thu hút khoảng 9.000 - 15.000 lao động. Tuy nhiên, từ nay đến khi các dự án chính thức đi vào hoạt động còn ít nhất là 5-10 năm nữa. Vì vậy, vấn đề việc làm trước mắt cho người dân có đất bị thu hồi vẫn vô cùng bức xúc.

Ông Trần Bá Song - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trăn trở: “Đây thực sự là bài toán nan giải. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn trong thời gian xây dựng, chưa có nhu cầu lao động. Với lao động trong độ tuổi, thời gian tới có thể đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đưa lao động đi làm việc ở các tỉnh bạn, có cơ chế ưu tiên cho lao động mất đất được tuyển dụng vào các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy, với lao động tuổi từ 40-45 trở lên thì thật sự khó khăn”./.