Chỉ còn một tháng nữa, chị Lê Thị Hường, ở Thanh Trì, Hà Nội sẽ sinh con thứ hai. Nhớ lại khi sinh đứa con đầu, mới 4 tháng đã phải đi làm, trưa nào cũng tranh thủ về nhà cho con bú rất vất vả mà cháu cũng không được chăm sóc tốt.

Vì vậy, khi biết có quy định mới phụ nữ sinh con được nghỉ 6 tháng cùng nhiều chế độ ưu đãi khác chị thấy rất vui: “Đối với những công nhân như tôi thì được nghỉ 6 tháng tốt cho con của mình vì con còn quá bé. Ngày trước được nghỉ có 4 tháng đã phải đi làm, việc chăm sóc con cũng vất vả. Bây giờ với chính sách này tôi thấy phấn khởi vì có thời gian chăm con nhiều hơn. Con được bú sữa mẹ vẫn là tốt nhất. Con có sức đề kháng tốt hơn, sẽ cứng cáp, khỏe mạnh hơn và cũng đỡ phải thuê người trông”.

Theo thống kê của Bộ Y tế, ở nước ta, cứ 5 bà mẹ thì chỉ có 1 người nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và khoảng 60% trẻ em được bú mẹ trong giờ đầu. Điều này ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ về cả thể chất và tinh thần, nhất là với những trẻ sinh non, sức khỏe yếu. Bởi vậy, với thời gian nghỉ thai sản 6 tháng, trẻ sẽ được bú sữa mẹ và được chăm sóc đầy đủ hơn, tạo tiền đề cho trẻ phát triển khỏe mạnh sau này.

Bác sĩ Lê Hoàng, Trưởng phòng chỉ đạo chuyên khoa, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Quy định mới của Nhà nước về nghỉ thai sản 6 tháng hoàn toàn phù hợp về mặt y học, rất tốt cho các bà mẹ. Các bà mẹ có thời gian dài hơn để hồi phục sức khỏe và có thời gian chăm sóc tốt cho cháu bé thì sức khỏe cháu bé sẽ tốt hơn rất nhiều. Có thời gian cho con bú sữa mẹ sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng cho con phát triển về mặt cơ thể, có chất miễn dịch. Điều đó sẽ giúp con phát triển, có sức đề kháng  tốt hơn và cũng tăng thêm tình cảm mẹ con”.

Ở nước ta, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu thấp, chưa đến 20%, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng chiếm 17,5%. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do trước đây, phụ nữ khi sinh con chỉ được nghỉ 4 tháng, không có điều kiện chăm sóc con cái.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, có 70% lao động nữ tại các khu công nghiệp, đa phần các chị em sau sinh con gặp rất nhiều khó khăn khi nhờ người chăm con. Chỉ có 5,7% số doanh nghiệp có dịch vụ trông trẻ nhưng hơn 90% trong số đó lại không nhận trẻ dưới 4 tháng tuổi. Điều này khiến không ít lao động nữ ở nhiều khu công nghiệp phải bỏ việc sau khi nghỉ sinh. Vì vậy, tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng là chính sách có ý nghĩa rất lớn với họ. Tuy nhiên, nhiều nữ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp lại lo lắng. Nếu không có biện pháp giám sát chặt chẽ thì doanh nghiệp sẽ gây khó cho người lao động.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Luận, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Nếu như đơn vị nào không chấp hành là vi phạm pháp luật. Mỗi năm chúng tôi có một số đợt kiểm tra và thanh tra toàn diện, kể cả Luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội. Nếu doanh nghiệp nào không thực hiện đúng quy định của Luật thì đề nghị công đoàn can thiệp. Nếu can thiệp không được thì có thể khởi kiện. Qua kinh nghiệm, chúng tôi thấy hầu hết các nơi thực hiện đúng vì người lao động cũng biết quyền lợi của mình và các tổ chức công đoàn cũng đều lên tiếng bênh vực quyền lợi cho người lao động”.

Luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua, tăng thời gian nghỉ sinh cho lao động nữ là rất nhân văn, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Điều này không chỉ giúp chị em đảm bảo quyền làm mẹ, bồi dưỡng sức khỏe, tái tạo sức lao động để nâng cao chất lượng lao động cho xã hội mà còn tạo điều kiện để gia đình, xã hội chăm sóc, nuôi dạy tốt hơn cho trẻ, thế hệ tương lai của đất nước./.