Ngày hôm qua, sau sự việc một nữ cộng tác viên tố bị một Trưởng ban của báo Tuổi trẻ hãm hiếp, rất nhiều phụ nữ, trong đó có cả nhà báo lên tiếng, chia sẻ về việc mình cũng đã từng bị quấy rối tình dục ở cơ quan, trong đó những cơ quan báo chí và những nơi họ từng đến phỏng vấn, công tác.

Là một phụ nữ, là người mẹ, nên tôi hiểu những chịu đựng, giằng xé của cô gái bị ức chế, căng thẳng tới mức suy nhược cơ thể vì những hành động đồi bại của kẻ khác giới. Tôi cũng hiểu nỗi đau xót của người làm cha, làm mẹ khi chứng kiến con mình sống trong ê chề, đau khổ, phải công khai với dư luận, bạn bè, người thân về những gì mình đã phải trải qua và không biết tương lai sẽ như thế nào, ai dám chấp nhận con mình hay phải sống trong sự xa lánh, kỳ thị của mọi người xung quanh…Tôi chỉ thầm mong đây không phải là sự thật. 

Và nếu đây không phải là 1 vụ hiếp dâm thì cũng cần làm rõ để minh oan cho nhà bao A.T và giữ uy tín cho báo Tuổi trẻ.

xamhaitinh_duc_bfol.jpg
Cần xử lý nghiêm những hành động xâm hại, quấy rối tình dục. (ảnh Internet)

Ngày hôm qua, Khoa Báo chí – Truyền thông (Trường Đại học KHXH-NV TP HCM) đã chính thức có văn bản gửi báo Tuổi trẻ trong đó bày tỏ sự thất vọng về những phản hồi của báo Tuổi trẻ đưa ra trong thông cáo báo chí được phát đi chiều 19/4. Lãnh đạo khoa Báo chí – Truyền thông đề nghị cần nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề là nữ sinh viên đã chịu đựng một quá trình khủng hoảng tâm lý nặng nề làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần khiến cô ấy suy kiệt sức khỏe và phải đối mặt với quyết định tiêu cực về cuộc đời mình.

Sự lên tiếng của thầy, trò trường ĐHKHXH – NV TP HCM cho thấy, sự việc này thực sự khiến thầy trò nhà trường lo lắng và cần thiết phải xử lý nghiêm minh. Điều này cũng cho thấy, nữ cộng tác viên của báo Tuổi trẻ không đơn độc trong cuộc chiến chống lại cái xấu, nhưng điều đó chưa đủ. Bởi chúng ta đang sống trong một xã  hội thượng tôn pháp luật, thì bất cứ hành động nào cũng phải được soi chiếu bằng luật pháp.

Vụ này có dấu hiệu của tội phạm hình sự, cần sự vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật và thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật. 

Để khẳng định tổ cáo của nữ phóng viên này có đúng hay không, nhà báo bị tố cáo có bị oan hay không thì chỉ có cơ quan bảo vệ pháp luật, ở đây là Công an, mới đủ thẩm quyền.

Mặc dù thông tin về vụ việc này bùng lên trên môi trường mạng xã hội nhưng tính chất và mức độ lại rất nghiêm trọng, vì nó ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của con người, của tổ chức thì rất cần sự can thiệp của các cơ quan pháp luật chứ không thể để các bên “tự xử” được./.