Tự kỉ là một trong những rối loạn phát triển hay gặp ở trẻ em. Trẻ bị mắc tự kỉ không những chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, giao tiếp, học hành mà còn có những rối loạn hành vi ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ bị mắc bệnh tự kỉ đang gia tăng ở Việt Nam nhưng chúng ta chưa có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ y, bác sĩ, giáo viên và kỹ năng để chăm sóc trẻ tự kỉ.
Phát hiện sớm bệnh tự kỉ đang là vấn đề quan trọng đối với mỗi gia đình. Trẻ tự kỉ nếu được phát hiện sớm sẽ có nhiều cơ hội trở thành người bình thường và hòa nhập xã hội. Chính vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp để cam thiếp sớm nhằm chữa trị cho trẻ tự kỉ. Đây chính nội dung chính của Hội thảo Chăm sóc giáo dục trẻ tự kỉ ở Việt Nam-thực trạng và giải pháp diễn ra sáng 12/3 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Tổ chức Unicef Việt Nam tổ chức.
Tiến sĩ Connie Kasari, Tổ chức Tự kỷ lên tiếng (phải) cho rằng, cần có những biện pháp can thiệp sớm đối với trẻ tự kỉ |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: Bảo vệ, chăm sóc và quan tâm tới trẻ em là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Năm 2010, Nhà nước đã có công ước để chăm sóc trẻ khuyết tật. Việc tìm kiếm phương pháp hữu hiệu để chăm sóc cho trẻ bị bệnh tự kỉ cũng là vấn đề mà nhiều cơ quan, tổ chức quan tâm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, một trong những biện pháp hữu hiệu để chữa trị cho trẻ tự kỉ là chúng ta cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng không phân biệt đối xử giữa trẻ bình thường với trẻ tự kỉ để từ đó đưa ra những biện pháp, sáng kiến chăm sóc trẻ tự kỉ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục-Đào tạo cần phối hợp với các ban, ngành khác nghiên cứu để có những trị liệu chăm sóc, giáo dục cho trẻ tự kỷ tốt nhất.
Tiến sĩ Connie Kasari, Tổ chức Tự kỷ lên tiếng (Hoa Kỳ) cho rằng, môi trường gia đình và trường học có vai trò rất quan trọng giúp khắc phục và điều trị bệnh tự kỉ ở trẻ.
Theo bà Connie Kasari, cha mẹ nên có sự can thiệp sớm để giúp trẻ khắc phục hội chứng tự kỉ. Sự can thiệp nên từ 2 đến 6 tuổi. Sự can thiệp có thể là hàng ngày theo dõi quá trình phát triển trí tuệ, hành vi, ngôn ngữ của con. Nếu trên 1 tuổi, phát hiện có những triệu chứng bất thường thì nên sớm đưa trẻ đến trường học, trung tâm chăm sóc và giáo dục cho trẻ tự kỉ.
Việc chăm sóc cho trẻ tự kỉ đòi hỏi ở cha mẹ phải có tính kiên trì, dành nhiều thời gian và điều quan trọng là phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong giáo dục trẻ tự kỉ.