Ngày 13 – 14/12, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn các tổ chức xã hội tham gia vận động chính sách, đóng góp vào giám sát thực hiện luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều khẳng định trong những năm qua các tổ chức xã hội dân dự, tổ chức phi chính phủ đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình giám sát của Uỷ ban Công ước về Quyền trẻ em. Những nỗ lực này thể hiện ở việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là các nhóm có hoàn cảnh khó khăn; đại diện cho tiếng nói của trẻ em, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của trẻ em với chính phủ với cộng đồng đảm bảo tôn trọng các quyền cơ bản, đáp ứng các nhu cầu của trẻ em; vận động việc xây dựng và thực hiện chính sách; theo dõi, giám sát và báo cáo việc thực hiện quyền trẻ em…

Bên cạnh đó, hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật các quy định cụ thể về vai trò, vị trí của tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong việc thực hiện quyền trẻ em chưa được thể hiện cụ thể. Trong các văn bản này chỉ quy định chung chung cho tất cả các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ mà không có quy định trực tiếp nhiều đến các tổ chức xã hội bảo vệ quyền trẻ em.

 hoi-thao-quyen-tre-em.jpg

Về vấn đề này, bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên thường vụ Hội bảo vệ quyền trẻ em cho rằng: mỗi công dân đều có quyền giám sát, nhưng việc thực hiện quyền giám sát đó như thế nào thì mới là việc cần làm rõ. Bởi luật chăm sóc trẻ em là luật đặc biệt vì ngay bản thân các em chưa tự bảo vệ được mình. Chính vì vậy cần phải có cơ chế giám sát, nên cơ chế này làm sao đặt ra thành một chương giám sát riêng, cơ cấu chương đó ra sao, các điều khoản trong chương như thế nào, cần phải được cụ thể.

“Hàng năm trong các chương trình giám sát của Quốc hội hay của Hội đồng nhân dân các cấp thì phải có chuyên đề giám sát liên quan đến trẻ em. Bên cạnh đó, thành phần của các đoàn giám sát nên có sự tham gia của đại diện các tổ chức xã hội”, bà Hồng nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ buổi hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận thêm về những vấn đề các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ cần giám sát về quyền trẻ em. Cụ thể tập trung ở 5 điểm: cung cấp dịch vụ, xây dựng và góp ý chính sách, giám sát thực thi chính sách chương trình, huy động nguồn lực và truyền thông của quyền trẻ em, quyền công dân của trẻ em.

Đánh giá cao về các ý kiến đóng góp của các đại biểu, bà Trần Thị Thanh Thanh – Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đồng tình: Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều có một thế mạnh riêng nên chúng ta phải ngồi với nhau, chia sẻ những cái mạnh nhất, liên kết lại với nhau. Mục tiêu của chúng ta là làm sao vai trò của các tổ chức xã hội và Hội bảo vệ quyền trẻ em được xác định về quyền cũng như trách nhiệm trong những điều khoản cụ thể; cần có sự thay đổi phù hợp với sự phát triển của xã hội./.