Trong bài phát biểu nhân dịp Ngày Quốc tế vì Trẻ em gái đầu tiên (11/10), Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ông Ryder nói rằng, cần phải thay đổi các hệ thống chính sách và giá trị hiện tại, bởi chúng khiến trẻ em gái trên khắp thế giới phải chịu thiệt thòi.
“Những bất bình đẳng giới bắt đầu từ tuổi thơ thường có xu hướng trở thành một vấn đề lâu dài. Điều này cũng được thể hiện trên thị trường lao động. Mặc dù cộng đồng quốc tế đã nỗ lực quảng bá các giá trị, nguyên tắc và quyền bình đẳng giới, sự thật vẫn là trẻ em gái bị bỏ lại phía sau một cách có hệ thống chỉ vì giới của các em. Việc này cần phải được chấm dứt” – ông Ryder nói.
Ngày Quốc tế vì Trẻ em gái hướng tới hai chủ đề quan trọng – lao động trẻ em và kết hôn trẻ em. Hiện có khoảng 88 triệu lao động trẻ em trên khắp thế giới là các bé gái. Nhiều em phải nhận mức lương bóc lột nhất, phải làm những công việc nguy hiểm nhất và thường xuyên bị chèn ép vì bất bình đẳng giới tại nơi làm việc và ngay chính tại gia đình mình.
Tuy nhiên, sự bất bình đẳng giới trong tiếp cận với giáo dục đồng nghĩa với con số 64% số người trưởng thành mù chữ là phụ nữ. Bên cạnh các biện pháp giúp đỡ trẻ em gái, ông Ryder cho rằng, phụ nữ nói chung và các bà mẹ nói riêng nên được trao quyền thông qua các tổ chức, được tiếp cận các hoạt động tạo thu nhập và được hưởng các bảo trợ xã hội.
Đối với Việt Nam, theo một cuộc khảo sát do Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội và ILO tiến hành, tỷ lệ trẻ em gái tham gia lao động ở Việt Nam cao hơn một chút so với các em trai. ILO cùng với Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội đang thực hiện một dự án 4 năm nhằm hỗ trợ việc xây dựng và thực thi các Chương trình Quốc gia về xóa bỏ các hình thức tồi tệ nhất của lao động trẻ em (được khởi động từ tháng 3/2010)./.