Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Cần Thơ được thành lập hơn 15 năm qua, với mục tiêu là chăm lo đời sống kinh tế các nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam. Tuy nhiên, khi triển khai các hoạt động chính sách, nhiều khó khăn, vướng mắc vẫn còn tồn tại, nhất là một số nạn nhân vẫn chưa được thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội.
Thành phố Cần Thơ hiện có hơn 4.270 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Trong đó, có hơn 1.040 nạn nhân không tự phục vụ được, 278 nạn nhân thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. 15 năm qua, kể từ khi được thành lập, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/ Dioxin thành phố Cần Thơ đã vận động chăm lo cho nạn nhân thông qua các hoạt động: xây dựng, sửa nhà; hỗ trợ vốn vay không lãi, dạy nghề, tặng phương tiện đi lại; tặng học bổng cho con em nạn nhân; tặng quà vào các dịp lễ… với tổng trị giá 61,5 tỷ đồng.
Theo bà Võ Thanh Nga, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Cần Thơ, mặc dù có nhiều kết quả khả quan về chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, nhưng thực tế Hội vẫn tồn tại những khó khăn nhất định, đặc biệt là kinh phí, vật chất, nhiều chế độ, chính sách vẫn còn chưa phù hợp. Vấn đề này thành phố còn nhiều vướng mắc mà khả năng địa phương thì không thể giải quyết được: "Trong chỉ thị 14 của Bộ Chính trị có nói về tiếp tục quan tâm đến đối tượng chính sách người có công, có đặt ra vấn đề là chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3. Chỉ thị ra đời nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có những hướng dẫn trong công tác rà soát, tiêu chí và mức hỗ trợ như thế nào".
Theo thống kê, hiện nay thành phố Cần Thơ còn gần 80 nạn nhân là trường hợp thế hệ thứ 3 chưa được hưởng chính sách này, hầu hết là những gia đình khó khăn. Điển hình như trường hợp ông Trương Văn Em, hiện sống tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, từng tham gia chiến đấu tại lộ Vòng Cung. Hiện cháu ngoại ông là em Nguyễn Thanh Thảo đã hơn 15 tuổi cũng bị ảnh hưởng vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ, nhiều năm qua gia đình ông gặp không ít khó khăn. Ông Trương Văn Em chia sẻ: "Gia đình khó lắm, đất vườn ít lắm, bây giờ không có đi mần gì được hết trơn đó, con cái và mình ở nhà".
Ngoài thế hệ thứ ba, thì hơn 400 nạn nhân tham gia kháng chiến ở Cần Thơ vẫn chưa được thụ hưởng, có những trường hợp gửi hồ sơ 5 - 6 năm nay chưa được giám định để xét duyệt. Nguyên nhân là do trong quá trình lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, họ không lưu giữ đủ một số giấy tờ theo quy định bắt buộc.
Ông Trương Văn Dũng, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ cho biết: "Đối với những người vẫn còn vướng hồ sơ chưa được giải quyết, thì hiện nay tất cả đều hoàn cảnh khó khăn. Tôi cũng đề nghị Bộ nghiên cứu bổ sung vào thông tư những giấy tờ chứng minh có tham gia kháng chiến nên đưa trợ cấp 290 là 1 trong những giấy tờ có tham gia kháng chiến".
Có thể nói, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Cần Thơ những năm qua luôn tích cực, chủ động trong vận động nguồn lực xây dựng quỹ, tạo điều kiện chăm lo và giúp đỡ hội viên. Những hành động thiết thực này đã động viên tinh thần các nạn nhân, giúp họ giảm bớt mặc cảm, vượt qua những đau đớn về thể xác, tinh thần do bệnh tật gây ra, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên thành phố Cần Thơ hiện vẫn còn những khó khăn nhất định.
Bà Võ Thanh Nga, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Cần Thơ kiến nghị: "Tôi cũng rất mong là Chính phủ cũng chỉ đạo để mở rộng hơn cho các đối tượng tham gia góp ý cho việc sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công. Để việc ban hành Pháp lệnh được chặt chẽ hơn, chu đáo hơn, đáp ứng được nguyện vọng của đối tượng chính sách mà đang mắc những bệnh liên quan đến dioxin".
Thành phố Cần Thơ hiện chỉ có hơn 80% nạn nhân chất độc da cam hưởng được bảo trợ xã hội. Thời gian tới, với những chính sách được ban hành, sửa đổi, bổ sung, mong rằng, nạn nhân da cam và gia đình của họ sẽ được trao cơ hội, có thể vươn lên làm chủ cuộc sống của chính mình, tạo công ăn việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ./.